VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Ch%C3%ADnh%20s%C3%A1ch%20t%C3%A0i%20kh%C3%B3a%20-%20Ch%C3%ADnh%20s%C3%A1ch%20ti%E1%BB%81n%20t%E1%BB%87

Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước: "Cú hích" cho doanh nghiệp phát triển

15/11/2016 - 371 Lượt xem

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Huy Khôi – GĐ Cty Cổ Phần Toàn Phát về vấn đề vay vốn nhờ những chính sách hỗ trợ tối đa DN từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN)

Tạo những “cú hích” cho DN

Chiếm thị phần trên 60% tại VN và xuất khẩu đi hơn 30 nước trên thế giới, vốn vay của ngân hàng rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Toàn Phát, một DN chuyên sản xuất ống lồng điều hòa. Hồ hởi giới thiệu về các hoạt động của DN mình, ông Khôi cho biết, Thông tư 07 của NHNN đã giúp rất nhiều cho DN của ông cũng như các DN khác không gặp khó khăn gì trong việc tiếp cận nguồn vốn, kể cả vay vốn bằng VND hay USD.

“Vấn đề tỷ giá cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi. Thế nhưng, 9 tháng vừa qua, cơ chế điều hành tỷ giả trung tâm hàng ngày của NHNN tạo tỷ giá khá bình ổn, giúp chúng tôi tính toán phương án vay vốn mà không lo tỷ giá biến đột ngột như trước đây”, ông Khôi nhận định về chính sách tiền tệ những tháng đầu năm 2016.

Thời gian qua, với mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN đã quyết liệt chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí hoạt động, cân đối nguồn vốn huy động, sử dụng vốn một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm lãi suất cho vay. Trên cơ sở ố nhiều TCTD đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay trung, dài hạn.

Ông Trần Thanh Tùng – Trưởng ban kiểm soát CTCP thế giới số Trần Anh chia sẻ: “Thời gian qua, lãi suất tương đối ổn định giúp DN không bị xáo trộn về hoạt động kinh doanh. Chính vì tin tưởng vào sự ổn định của lãi suất do NHNN điều hành nên chúng tôi liên tục mở rộng hoạt động và sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa trong thời gian tới”.

Có thể nói, mặc dù tình hình diễn biến kinh tế trong và ngoài nước những tháng đầu năm có nhiều biến động như giá dầu có lúc giảm kỷ lục, nước Anh quyết định rời khỏi EU… nhưng NHNN vẫn điều hành chính sách tiền tệ đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khẳng định: “Ngành ngân hàng đã và đang tiếp tục hướng đến DN nhiều hơn thông qua nhiều giải pháp, vừa ổn định mặt bằng lãi suất, kiên quyết giảm lãi suất cho vay, vừa cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn… được thị trường rất hoan nghênh”.

Ông Lực cũng chỉ ra một số kết quả đáng ghi nhận của chính sách tiền tệ như sự phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ và tài khóa đã giúp Bộ Tài chính phát hành được trái phiếu chính phủ ở mức lãi suất thấp hơn so với trước đây; thị trường vàng dù biến động, nhưng đã được kiểm soát nhờ sự kiên định với chính sách chống vàng hóa và truyền thông kịp thời; mức độ tăng trưởng tín dụng tương đối ổn định, hướng vào những lĩnh vực ưu tiên và tăng trưởng ở mức tương đối cao…

Việc Thông tư 06 và 07 của NHNN ra đời đã đáp ứng được kỳ vọng của DN, của thị trường và các tổ chức tín dụng. Đặc biệt là Thông tư 07 quy định cho vay ngoại tệ từ ngày 1/6 đã góp phần hỗ trợ DN, đặc biệt là DN xuất khẩu, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

Luôn đặt người dân, DN ở vị trí trung tâm

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, 9 tháng đầu năm, ngành ngân hàng đã kiên định với mục tiêu xuyên suốt được nêu ra trong Chỉ thị 01/CT-NHNN thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh và Chỉ thị 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016.

Điều này giúp tạo sự hài hòa nhiều mục tiêu do Chính phủ và Quốc hội đặt ra, đặc biệt là bám sát, thực hiện quyết liệt Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 – những chính sách thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển DN. “Điển hình là NHNN đã đưa ra được chương trình hành động cụ thể, chi tiết và kịp thời tại Chỉ thị 05 để xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và quyền lợi của người dân, DN được đặt ở vị trí trung tâm. Theo đó, ngành ngân hàng không chỉ chú trọng các giải pháp điều hành mà còn quan tâm tới cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ DN phát triển…”, Phó Thống đốc chia sẻ.

Vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa giữ ổn định thị trường tiền tệ là những gì ngành ngân hàng đã làm được trong 9 tháng đầu năm và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, 3 tháng cuối năm 2016 sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tiếp tục duy trì ổn định lãi suất huy động, các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, khởi sự DN…

Nguồn: DDDN