VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh%20nghi%E1%BB%87m%20c%E1%BA%A3i%20c%C3%A1ch%20v%C3%A0%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20kinh%20t%E1%BA%BF%20-%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i%20c%E1%BB%A7a%20c%C3%A1c%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc

Trung Quốc: hai kịch bản rủi ro khi nợ tăng lên mức kỷ lục

28/04/2016 - 430 Lượt xem

Cục nợ 25.000 tỉ đô la Mỹ

Bắc Kinh đã ồ ạt vay tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng tổng nợ, gồm nợ trong nước và nước ngoài lên đến 163.000 tỉ nhân dân tệ (25.000 tỉ đô la Mỹ) vào cuối tháng 3 vừa qua, tờ Financial Times ngày 24-4 cho biết.

Tỷ lệ nợ tương đương 237% GDP như vậy là cao hơn nhiều nếu so sánh với các nền kinh tế đang phát triển khác. Đáng ngại hơn nữa là tốc độ tích lũy nợ của Trung Quốc quá nhanh vì vào năm 2007, tổng nợ của Trung Quốc chỉ ở mức 148% GDP.

“Mọi nước lớn có nợ gia tăng nhanh đều trải qua hoặc là một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc là đợt trì trệ tăng trưởng GDP kéo dài”, Ha Jiming, trưởng chiến lược đầu tư ở Ngân hàng Goldman Sachs, nhận định.

Mức nợ hiện tại của Trung Quốc cũng như sự kết nối ngày càng gia tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này với các thị trường tài chính toàn cầu, đã khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế gần đây cảnh báo rằng Trung Quốc đang áp đặt rủi ro ngày càng gia tăng cho các nền kinh tế phát triển.

Các chuyên gia kinh tế ghi nhận rằng rất khó để triển khai hiệu quả một lượng vốn lớn như vậy chỉ trong một thời gian ngắn trong bối cảnh số lượng các dự án mang lại lợi nhuận còn hạn chế. Và khi lợi nhuận của các công ty rơi vào vòng xoáy suy giảm, nhiều khoản nợ có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Bắc Kinh đang nỗ lực duy trì chi tiêu để hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn đồng thời giảm đòn bẩy tài chính để ngăn chặn rủi ro tài chính trong dài hạn. Tuy nhiên gần đây, khi các lo ngại về khả năng hạ cánh cứng (tăng trưởng giảm sâu đột ngột) gia tăng, Trung Quốc đã quyết liệt chuyển sang xu hướng kích thích nền kinh tế.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và tính toán của Financial Times, nợ của Trung Quốc đã tăng thêm 6.200 tỉ nhân dân tệ chỉ trong ba tháng đầu năm 2016, mức tăng mạnh nhất trong một quí.

Khủng hoảng tài chính kiểu Mỹ hay trì trệ kéo dài kiểu Nhật?

Các chuyên gia kinh tế nhất trí rằng sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc đang bị đặt vào tình thế rủi ro nhưng họ vẫn đang tranh luận kịch bản nào đang chờ đợi nền kinh tế Trung Quốc.

Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng kiểu như vụ sụp đổ Ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008 làm cho các ngân hàng ở Mỹ đồng loạt vỡ nợ và làm tê liệt thị trường tín dụng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác dự báo Trung Quốc sẽ trải qua thời kỳ khó khăn kinh tế kéo dài tương tự như “thập kỷ mất mát” của kinh tế Nhật Bản khi tăng trưởng duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài.

Nhà phân tích Jonathan Anderson ở Công ty Tư vấn Emerging Advisors Group (Thượng Hải) thiên về khả năng Trung Quốc sẽ trải qua cuộc khủng hoảng tín dụng như ở Mỹ. Ông nói: “Với tốc độ cho vay quá nhanh như hiện nay, chỉ là vấn đề thời gian trước khi một số ngân hàng thấy rằng họ không đủ khả năng tài chính để bảo đảm an toàn cho tất cả các tài sản. Và lúc đó, một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra”.

Tuy vậy, một số chuyên gia tin tưởng PBoC sẽ đủ khả năng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng. Bằng cách bơm tiền ồ ạt vào hệ thống ngân hàng, PBoC có thể bảo đảm các ngân hàng duy trì thanh khoản, dù các khoản nợ xấu tăng lên.

Tuy nhiên, họ cho rằng khi nợ tăng quá mức, nền kinh tế Trung Quốc có thể lặp lại kịch bản thập kỷ mất mát của Nhật Bản khi tăng trưởng thấp và giảm phát kéo dài.

GS. Michael Pettis ở trường Quản trị kinh doanh Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định nợ gia tăng sẽ dẫn đến các chi phí tài chính gây kiệt quệ cho các công ty và khiến tăng trưởng suy giảm kéo dài trước khi thực sự vỡ nợ. “Thật là sai lầm khi giả định rằng “nợ quá nhiều” chỉ xấu nếu gây ra khủng hoảng tài chính và đây là giả định phổ biến của hầu hết mọi chuyên gia kinh tế. Một ví dụ rõ ràng là nền kinh tế Nhật Bản sau năm 1990. Nhật Bản gánh quá nhiều nợ, phần lớn là nợ vay trong nước và hậu quả kéo theo sau đó là tăng trưởng sụp đổ”, ông Pettis nhận xét.

Chi phí nợ gây kiệt quệ cho các công ty vay nợ lớn bao gồm chi phí vay cao hơn, các nhà cung cấp yêu cầu phải thanh toán nhanh hơn và lượng khách hàng suy giảm do họ lo ngại công ty sẽ phá sản và không thể duy trì dịch vụ hậu mãi.

Nhiều chuyên gia kinh tế đang lo ngại mức nợ quá lớn của Trung Quốc sẽ dễn đến “suy thoái bảng cân đối tài sản” (balance-sheet recession), một thuật ngữ được chuyên gia Richard Koo ở Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) sử dụng để mô tả thập kỷ mất mát của Nhật từ thập niên 1990 đến thập niên 2000 khi các công ty tập trung tiết kiệm và trả nợ thay vì chi tiêu và đầu tư, dẫn đến tăng trưởng suy giảm. Ông cho rằng trong giai đoạn “suy thoái bảng cân đối tài sản”, chính sách tiền tệ thông thường sẽ mất tác dụng vì các công ty tập trung trả nợ và khước từ vay mượn dù lãi suất chạm đáy.

Chuyên gia cấp cao ở Công ty Autonomous Research Asia (Hồng Kông) cho rằng nếu các khoản thua lỗ không thể hiện trên bảng cân đối kế toán của các công ty, chúng sẽ phản ánh qua quá trình tăng trưởng trì trệ và lạm phát kiểu như Nhật Bản, một quá trình mà Trung Quốc có thể đã bước vào.

Nguồn: TBKTSG.