VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Chính sách tỷ giá mới của Trung Quốc: Câu hỏi và lời giải cho Việt Nam

26/08/2015 - 307 Lượt xem

Sự thay đổi của tỷ giá hối đoái có thể có tác động trực tiếp tới nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng của Việt Nam như cán cân thương mại, nợ nước ngoài, và lạm phát.

Tác động không đáng kể đến lạm phát, nợ công của Việt Nam

Hiện nay, nhờ giá cả nguyên nhiên vật liệu thế giới đang ở mức thấp, trong khi tiền đồng (VND) gắn với đô la Mỹ (USD) và USD lại lên giá mạnh với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới, nên tác động của sự thay đổi tỷ giá VND/USD vừa rồi đối với lạm phát trong nước có thể là không đáng kể.

Trong khi đó, quy mô nợ nước ngoài của quốc gia tính tới cuối năm 2014 quy đổi ra USD là vào khoảng 74 tỉ USD (xấp xỉ 40% GDP), trong đó nợ công nước ngoài là khoảng 52 tỉ USD (xấp xỉ 28% GDP). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong nợ công nước ngoài thì nợ bằng USD chỉ chiếm khoảng 25%, còn lại là những đồng tiền khác như yen Nhật, euro hay thậm chí là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Trong vòng một năm qua, USD lên giá mạnh so với các đồng tiền khác như yen (+20,6%), euro (+20,3%), nhân dân tệ (+2,8%), trong khi VND lại gắn với USD và chỉ mất giá khoảng 3-4%.

Như vậy có thể nói, tác động của diễn biến tỷ giá trong vòng một năm qua là có lợi cho nợ công của Việt Nam. Nếu năm nay nợ công Việt Nam có tăng mạnh thì đó là do chúng ta chi tiêu và vay nợ quá nhiều chứ không phải do tác động của tỷ giá.

Ẩn số với xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc

Xét trên thị trường quốc tế nơi mà Việt Nam và Trung Quốc có hàng hóa cùng loại cạnh tranh với nhau thì sự phá giá vừa rồi của Trung Quốc sẽ làm cho hàng hóa của họ có lợi thế hơn về giá cả.

Thu hút sự quan tâm lớn nhất của công chúng cũng như giới hoạch định chính sách hiện nay có lẽ là tác động của sự thay đổi tỷ giá đối với sức cạnh tranh của hàng hóa và cán cân thương mại của Việt Nam. Đáng tiếc là từ trước tới nay chúng ta chưa có một nghiên cứu định lượng toàn diện và đáng tin cậy về chủ đề này. Lý do ở đây một phần do thiếu cơ sở dữ liệu, phần khác là do thiếu sự đầu tư cho các nghiên cứu nghiêm túc và thận trọng. Hầu hết các bộ, ngành chức năng liên quan, và thậm chí là các tổ chức nghiên cứu, chủ yếu chỉ đưa ra các nhận định mang tính chủ quan, cảm tính, thiếu cơ sở thực nghiệm, do vậy chúng thường gây tranh cãi và khó thuyết phục được các nhà hoạch định chính sách.

Về cơ bản, tác động của việc Trung Quốc phá giá tiền tệ vừa rồi đối với cán cân thương mại và kinh tế trong nước là tích cực hay tiêu cực sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thứ nhất, đó là độ co giãn theo giá của hàng hóa xuất nhập khẩu. Sự phá giá tiền tệ của Trung Quốc sẽ làm cho hàng hóa nước này nhập khẩu vào Việt Nam trở nên rẻ hơn và có xu hướng làm tăng cầu, trong khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc trở nên đắt hơn và có xu hướng làm giảm cầu. Tuy nhiên, tác động cuối cùng đến cán cân thương mại giữa hai nước là lớn hay nhỏ còn tùy thuộc vào độ co giãn của cầu hàng xuất nhập khẩu.

Nếu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là ít co giãn với giá thì lượng nhập khẩu sẽ tăng ít, còn giá trị nhập khẩu có thể tăng ít hoặc thậm chí là giảm nhờ giá giảm, và ngược lại. Tương tự như vậy, nếu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ít co giãn với giá (ví dụ như chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc đang cần để phục vụ tăng trưởng) thì lượng hàng xuất khẩu sẽ giảm ít hoặc không giảm, do vậy giá trị hàng xuất khẩu thậm chí có thể tăng nhờ giá tăng.

Tóm lại, giá trị xuất khẩu hay nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc sẽ tăng lên hoặc giảm đi tùy thuộc vào độ co giãn theo giá của từng loại hàng hóa. Cái này trong kinh tế gọi là điều kiện Marshall Lerner. Đáng tiếc là chúng ta chưa có những nghiên cứu định lượng toàn diện và cụ thể tới từng nhóm hàng, do vậy khó có thể kết luận là sau sự phá giá của Trung Quốc thì cán cân thương mại của ta với họ tốt lên hay xấu đi, và quan trọng hơn là tốt lên hay xấu đi bao nhiêu.

Thứ hai, cơ cấu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thiên về tiêu dùng hay nguyên vật liệu sản xuất cũng quyết định đáng kể đến việc hiệu ứng phá giá vừa rồi của Trung Quốc là tích cực hay tiêu cực đối với Việt Nam. Nếu nguyên vật liệu và tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, thực tế chiếm 90%, thì việc phá giá của Trung Quốc thậm chí còn giúp cho chi phí sản xuất trong nước giảm.

Cuối cùng, hiệu ứng của sự phá giá vừa rồi lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào việc đồng tiền nào được sử dụng để định giá trong thương mại giữa hai nước. Nếu hàng nhập khẩu được định giá theo VND hoặc USD thì nhìn chung sự phá giá vừa rồi ít có khả năng làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ngược lại nếu chúng được định giá theo nhân dân tệ thì nó lại giúp hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, nếu xét trên thị trường quốc tế nơi mà Việt Nam và Trung Quốc có hàng hóa cùng loại cạnh tranh với nhau thì sự phá giá vừa rồi của Trung Quốc sẽ làm cho hàng hóa của họ có lợi thế hơn về giá cả.

NHNN nên... thả nổi có quản lý đối với tỷ giá

Việc cam kết cứng nhắc tỷ giá vào một mục tiêu như Việt Nam đang làm là không nên, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá hối đoái là biến số không chỉ phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong nước mà còn phụ thuộc vào những biến động và rủi ro kinh tế thế giới. Cam kết cứng nhắc sau đó lại không thực hiện được sẽ làm giảm tín nhiệm, độ tin cậy và hiệu quả của các chính sách tỷ giá và tiền tệ sau này.

Việt Nam là nền kinh tế nhỏ đang ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, với độ mở thương mại và đầu tư ngày càng lớn. Do vậy, việc theo đuổi một chế độ neo tỷ giá cứng nhắc cũng không còn phù hợp. Làm như vậy sẽ khiến cho chính sách tiền tệ mất đi sự linh hoạt chủ động và phải thường xuyên điều chỉnh đối với các cú sốc từ bên ngoài. Do vậy, một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn, thả nổi có quản lý, có thể là sự lựa chọn tốt nhất đối với Việt Nam lúc này.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cần tuyên bố trước tỷ giá trung tâm và tỷ giá thương mại hàng ngày về cơ bản được xác lập hoàn toàn bởi các giao dịch theo cung - cầu ngoại tệ trên thị trường. Tuy nhiên, NHNN có thể dùng các biện pháp can thiệp như mua bán ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng và/hoặc các biện pháp kiểm soát nguồn vốn ra vào Việt Nam để làm mềm dao động của tỷ giá.

Để làm được điều này, tất nhiên Việt Nam cần có những bước chuẩn bị nhất định. Thứ nhất, đó là việc kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ với mục tiêu ưu tiên cao nhất là ổn định giá cả để nâng cao uy tín của đồng nội tệ. Thứ hai, ngoại tệ và các công cụ phái sinh là một loại tài sản, nhiều chủ thể kinh tế phải được phép tham gia mua bán trao đổi tương tự các sản phẩm được chứng khoán hóa khác. Khi thanh khoản của thị trường ngoại tệ đủ lớn, sẽ không có một lực lượng riêng lẻ nào có thể chi phối được thị trường, thì tự khắc tỷ giá hối đoái sẽ biến động theo quy luật cung cầu và NHNN không cần phải can thiệp nhiều vẫn giữ được sự ổn định của nó. Hơn nữa, sự biến động lên xuống của tỷ giá hối đoái, thay vì chỉ có chiều tăng như hiện nay, sẽ làm giảm hoạt động đầu cơ gây bất ổn.

Nhận định việc Trung Quốc phá giá tiền tệ tác động đến nền kinh tế Việt Nam là tích cực hay tiêu cực, và ở mức độ nào, cần phải thận trọng và đòi hỏi các nghiên cứu thực nghiệm thuyết phục và chi tiết đến từng ngành, từng nhóm hàng. Chúng ta cũng nên nhận thức rõ rằng tỷ giá hối đoái không phải là công cụ chính để kích thích xuất khẩu/giảm nhập khẩu bởi mỗi nước đều có công cụ này và có thể trả đũa. Theo kết quả một nghiên cứu định lượng ở cấp độ tổng thể nền kinh tế gần đây của chúng tôi, nếu VND mất giá hữu hiệu (so với giỏ tiền tệ của các đối tác thương mại) thì chưa hẳn đã mang lại kết quả tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Lý do là chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu và máy móc nhập khẩu.

Nguồn: TBKTSG