VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Đổi mới và cải cách thể chế kinh tế: Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Thái Lan

28/01/2015 - 256 Lượt xem

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ có 13/101 nước thu nhập trung bình trong 50 năm qua thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và một trong những yếu tố quyết định chính là thể chế. Đây là các quốc gia nhạy bén và quyết liệt đổi mới thể chế kinh tế phù hợp với thực tiễn phát triển và xu thế thời đại. 
 
Để có được trình độ phát triển như hiện nay, các nước công nghiệp mới (NIC) Đông Á đã trải qua nhiều đợt cải cách thể chế kinh tế. Và chính nhờ đổi mới thể chế kinh tế, các nước này đã gượng dậy sau khủng hoảng tài chính châu Á để viết tiếp câu chuyện thành công như Hàn Quốc, Thái Lan…
 
Cải cách và đổi mới thể chế kinh tế thực chất là cụ thể hóa quy luật phát triển quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất, trình độ của lực lượng sản xuất, xây dựng kiến trúc thượng tầng phù hợp với cơ sở hạ tầng xã hội. 
 
Hội nhập quốc tế sâu rộng đã làm thay đổi tính chất, trình độ lực lượng sản xuất, các mối quan hệ sản xuất và hạ tầng xã hội (thí dụ, ngày càng nhiều chủ thể mới như nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) nước ngoài, lao động nước ngoài, vốn và công nghệ nước ngoài…), làm ranh giới giữa quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất trong nước và quốc tế dần bị xóa nhòa. 
Do đó, cải cách thể chế kinh tế là đòi hỏi khách quan khi hội nhập quốc tế. Không thể hội nhập quốc tế hiệu quả, nếu không có thể chế kinh tế phù hợp với các luật chơi chung của thời đại. 
 
Kinh nghiệm cải cách thể chế kinh tế của Hàn Quốc và Thái Lan sẽ là những bài học lớn cho Việt Nam.
 
Hàn Quốc
 
Hàn Quốc là nước Đông Á tiến hành các biện pháp mạnh mẽ nhất để tổ chức lại hệ thống tài chính bằng các biện pháp như đóng cửa, sáp nhập và tạm dừng hoạt động đối với nhiều tổ chức tài chính. Vào cuối năm 2001, số ngân hàng thương mại đã giảm xuống còn 20 ngân hàng so với 33 ngân hàng trước khủng hoảng. Chính phủ đã thành lập 3 tập đoàn tài chính lớn là Woori, Shinhan và Kookmin để đảm nhiệm các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng quan trọng nhất trong nền kinh tế. Trên thực tế, Chính phủ đã quốc hữu hóa một phần lớn hệ thống tài chính thông qua việc mua lại các khoản nợ xấu. Tới tháng 5-2002, công ty quản lý nợ trung ương (KAMCO) của Chính phủ Hàn Quốc đã mua lại 81 tỷ USD nợ xấu (giá trị danh nghĩa), tương đương 19% GDP của nước này. Trung bình, KAMCO mua nợ với giá bằng 62% giá trị danh nghĩa và sau đó đã bán thanh lý số nợ đó với giá trị bằng 46% giá trị danh nghĩa. Tới nay, KAMCO đã thanh lý được khoảng 59% tổng nợ mua vào. Đồng thời với việc thanh lý nợ, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã bắt đầu các chương trình tái tư nhân hóa các ngân hàng đã bị quốc hữu hóa. Tuy nhiên, công việc này tiến triển tương đối chậm chạp.
 
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng tăng cường hoạt động quản lý và giám sát hệ thống tài chính. Tháng 1/1998, Chính phủ nước này đã thành lập Ủy ban giám sát tài chính (FSC: Financial Supervisory Commission), với quyền lực độc lập và mạnh mẽ, thống nhất các chức năng quản lý nhà nước về các hoạt động tài chính, tiền tệ. FSC có quyền giám sát, cấp phép và thu hồi giấy phép của các tổ chức tài chính với các khuyến nghị của BASEL (tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống tài chính). Vào tháng 4/2002, FSC đã ban hành một hệ thống quy định mới và nghiêm ngặt hơn đối với các tổ chức tài chính trong nước.
 
Hàn Quốc có ba chương trình để cải cách doanh nghiệp. Một là chương trình cải cách 5 cheabol lớn nhất gồm: Hyundai, Daewoo, Samsung, Sk Telekom và Lucky Goldstar. Mỗi cheabol này đều bị đòi hỏi phải thực hiện các kế hoạch đổi nợ lấy cổ phần để giảm tỷ lệ nợ trên vốn xuông dưới 200%, cắt giảm số công ty con và rút lui khỏi các hoạt động kinh doanh ngoại vi để tập trung vào các ngành kinh doanh chính yếu, vừa tăng tính hiệu quả vừa giảm tình trạng thừa khả năng sản xuất. Chính phủ buộc các Cheabol hàng đầu phải thực hiện kế hoạch “Thỏa thuận lớn”, tức là các cheabol này phải hóan đổi các công ty chi nhánh cho nhau, như buộc Daewoo phải đổi hãng điện tử của họ lấy hãng xe hơi của Samsung. Hai là chương trình cải cách các Cheabol cỡ vừa theo “cách tiếp cận London”, nhằm thực hiện các chương trình giải cứu các công ty khỏi nguy cơ phá sản. Tỷ lệ nợ trên vốn của các cheabol từ thứ 6 đến 36 giảm xuống còn 172% so với mức 519% trước khủng hoảng. Ba là việc tái cơ cấu và xử lý các doanh nghiệp nhỏ và vừa là tùy thuộc vào sự thương thuyết giữa các chủ nợ và con nợ. Tuy nhiên, Chính phủ đã mở rộng các chương trình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp chúng thoát khỏi nguy cơ phá sản hàng loạt.
 
Cùng với quá trình cải cách cơ cấu khu vực doanh nghiệp và ngân hàng, Hàn Quốc tiếp tục mở cửa nền kinh tế và tự do hóa tài chính. Tháng 8/1998, Hàn Quốc ban hành Luật khuyến khích đầu tư nước ngoài. Chính phủ cho phép các công ty nước ngoài được thực hiện mọi hình thức mua lại và thôn tính công ty trong nước mà không cần sự đồng ý của ban giám đốc công ty trong nước đó; nâng mức trần sở hữu cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty Hàn Quốc từ 26% lên 55%; mở cửa 11 trong 42 ngành nghề trước đây không cho đầu tư nước ngoài; tự do hóa việc vay vốn ngắn hạn của các doanh nghiệp; bãi bỏ luật cấm người nước ngoài mua bất động sản. Đồng thời Hàn Quốc cũng tiến hành tự do hóa các giao dịch tài chính, cho phép các công ty chứng khoán nước ngoài được thành lập ở Hàn Quốc.
 
Về cải cách phương thức quản lý doanh nghiệp, Hàn Quốc đã ban hành một bộ quy tắc ứng xử về hoạt động của các công ty. Bộ quy tắc ứng xử này dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế về quản lý công ty. Trong đó, hai lĩnh vực được quan tâm nhất là bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số và tăng cường tính  minh bạch trong quản lý công ty. 
 
Thái Lan
 
Những chương trình cải cách thể chế kinh tế quan trọng của Thái Lan là:
 
- Cho đến giữa năm 1998, theo lời khuyên của IMF, Thái Lan đã sử dụng cách tiếp cận dựa trên thị trường để tái cơ cấu và tái cấp vốn cho các thể chế tài chính. Chính phủ Thái lan hi vọng các nhà đầu tư tư nhân sẽ có vai trò lớn trong việc cấp các nguồn vốn mới cho các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, chiến lược này đã thất bại và Chính phủ Thái Lan đã phải đảm nhận vai trò chính từ tháng 8/1998 bằng cách công bố chương trình cải cách cả gói. Giống như các nước gặp khủng hoảng khác, Thái Lan đã thành lập Ủy ban tài cơ cấu tài chính (FRA) để cứu trợ và thanh lý số tài sản 869 tỷ Baht của 56 công ty tài chính bị đóng cửa trong các năm 1997-1998. FRA đã bán đấu giá tài sản trị giá 600 tỷ, thu được 150 tỷ (tương đương 25% giá trị sanh nghĩa). Đây là điểm tích cực của chương trình cải cách ở Thái Lan: bán nợ khó đòi cho giới đầu tư tư nhân qua cách đấu giá nên việc mua bán trở nên công khai và sát giá trị thực tế nhất. Vào đầu năm 2001, Thái Lan thành lập Công ty quản lý tài sản (TAMCO) để thu mua tiếp các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
 
- Thái Lan cũng tiến hành đóng cửa và sáp nhập các tổ chức tài chính kém hiệu quả. Số công ty tài chính đã giảm từ 91 công ty vào cuối tháng 6/1997 xuống còn 23 công ty vào giữa năm 2001, 2 ngân hàng bị đóng cửa và 6 ngân hàng bị sáp nhập. Tháng 3/2002, Bộ Tài chính Thái Lan phê chuẩn việc sáp nhập Ngân hàng Đô thị Bangkok với ngân hàng Siam City. Đồng thời, Chính phủ Thái Lan đã cải tiến khung khổ pháp luật giám sát hoạt động của hệ thống tài chính. Vào đầu năm 2001, nước này đã ban hành “Luật các thể chế tài chính” tạo ra khung pháp lý mới cho sự hoạt động của các ngân hàng, các công ty tài chính và các nhà cung cấp tín dụng. Luật này cũng thắt chặt sự kiểm soát trong nhiều lĩnh vực, gồm kế toán, kiểm toán, công bố thông tin và các hình phạt đối với việc gian lận. Thái Lan cũng ban hành Luật Ngân hàng trung ương mới để tăng tính độc lập và trách nhiệm giải trình của ngân hàng trung ương. Nhiệm vụ của ngân hàng trương ương bị giới hạn trong việc duy trì sự ổn định của giá cả và bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính.
 
- Sau khủng hoảng, Thái Lan đã tiến hành sửa đổi và ban hành rất nhiều bộ luật kinh tế mới như Luật Cạnh tranh, Luật Thị trường chứng khóan, Luật Phá sản, Luật Đất đai và nhiều luật khác. Nội dung sửa đổi của các luật này đều theo hướng tự do hóa, giải điều tiết và mở cửa nền kinh tế. Chẳng hạn, Thái Lan cho phép người nước ngoài mua đất ở một số vùng đô thị và cho phép các công ty nước ngoài mua cổ phiếu với mức đa số trong nhiều ngành trước đây bị cấm, kể cả khu vực tài chính.
 
- Thái Lan cũng công bố các kế hoạch đẩy nhanh tiến trình tư nhân hóa. Trong cam kết với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 12 năm 1997, Thái Lan đã đề xuất một chương trình tư nhân hóa nhanh, bắt đầu bằng việc tư nhân hóa công ty lọc dầu Bangchak. Vào năm 2000, Quốc hội Thái Lan đã thông qua Luật Công ty hóa, công bố một danh sách bao gồm nhiều công ty thuộc các ngành điện, viễn thông, hàng không, năng lượng và cung cấp nước cần được tư nhân hóa. Tuy nhiên, các kế hoạch tư nhân hóa này đang gặp sự phản đối dữ dội từ nhiều hướng, đặc biệt là từ các công đoàn. 
Sau Hàn Quốc, Thái Lan được giới đầu tư quốc tế coi là nước mà giới lãnh đạo có ý thức cần phải cải cách và đã cố gắng tiến hành đổi mới.

Nguồn: Tạp chí Tài chính