VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Điểm nóng

Tái cơ cấu DNNN: Nhìn từ giác độ kinh tế học

02/10/2014 - 346 Lượt xem


Tái cấu trúc DNNN đòi hỏi phải có thời gian, có định hướng đúng, và có lộ trình (Số lượng cổ phần hóa hàng năm)

Tập đoàn và các DNNN, phục vụ 2 mục tiêu cốt lõi: duy trì tăng trưởng và bảo đảm nguồn động viên vào ngân sách theo đúng kế hoạch.

Cơ chế tập trung vốn và hệ lụy

Trong giai đoạn tăng trưởng nhanh 2000 - 2010, rất nhiều dự án lớn về hạ tầng, như điện năng, giao thông - vận tải, và khai thác dầu khí, gia công, lắp ráp xuất khẩu, phải được triển khai. Nguồn vốn chính phủ và các khoản tín dụng ưu đãi được tập trung vào chỉ một số ít Tập đoàn và TCty lớn nhất, mà chúng có chức năng triển khai các dự án lớn, tạo đà cho tăng trưởng và xuất khẩu. Nhịp độ tăng trưởng càng cao, thì số lượng dự án cần triển khai càng lớn, dẫn đến bội chi ngân sách. Điều đó buộc Ngân hàng TƯ phải tăng cung tiền tệ bù đắp bội chi, gây nên lạm phát.

Vào giai đoạn 2000 - 2005, khi các Tập đoàn và DNNN đóng góp tới gần 60% GDP, Nhà nước có thể ép nhịp độ tăng trưởng cao, thông qua việc bơm mạnh vốn vào khu vực này. Trong khi đó, quy luật về suất sinh lợi giảm dần theo quy mô vẫn âm thầm phát triển lên. Nó như một cái phanh vô hình, hãm dần đà tăng thu nhập ròng, hiệu quả và năng suất của các Tập đoàn, TCty Nhà nước. Điều đó kéo theo yêu cầu phải cải cách hơn nữa theo hướng thị trường.

Một đặc trưng cơ bản của việc hình thành một loạt các Tập đoàn lớn ở các ngành và lĩnh vực then chốt nhất của nền kinh tế là mối quan hệ cân đối liên ngành. Thông qua việc cấp vốn ngân sách, tín dụng, cũng như quản lý các dòng thanh toán nợ và nộp thuế, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, phối hợp với Bộ Tài chính và hệ thống Ngân hàng có khả năng chi phối khá lớn đến kế hoạch sản xuất của các tập đoàn, cũng như định hướng dòng chảy của các sản phẩm, nhằm duy trì cân đối liên ngành. Tuy nhiên, quyết định giao quyền tự chủ kinh doanh cho các DNNN theo Luật DN 2015 về cơ bản đặt dấu chấm hết cho sự can thiệp trực tiếp của các Bộ chủ quản vào hoạt động kinh doanh của các Tập đoàn và DNNN. Đối mặt với quy luật về suất sinh lợi giảm dần, từng Tập đoàn và DNNN thấy các cơ hội kinh doanh khác, bên ngoài khu vực Nhà nước hay xuất khẩu, trở nên hấp dẫn hơn. Vì vậy, họ có xu hướng lái dòng chảy vốn và giao dịch sản phẩm ra bên ngoài, nơi có suất sinh lãi hoặc doanh thu cao hơn.

Tăng trưởng dựa vào tăng tích lũy vốn cộng với tăng quyền tự chủ cho DNNN, nhưng buông lỏng chức năng giám sát việc phân bổ và sử dụng vốn, dẫn đến ba hệ quả nghiêm trọng:

Thứ nhất, không có sự gắn kết quyền hạn với trách nhiệm. Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng TƯ nắm quyền phân bổ các nguồn vốn chiến lược của quốc gia. Nhưng các tập đoàn mới nắm quyền kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn đó. Tập đoàn hiểu rõ hơn các cơ quan Bộ về cơ hội hay rủi ro về thị trường và công nghệ, mà chúng xác định sự  thành bại của dự án đầu tư. Điều đó đẩy các Bộ vào thế bất lợi về thông tin khi quyết định dự án nào nên được rót vốn. Vì vậy, bất cứ DNNN nào cũng có xu hướng thổi phồng cơ hội, giấu giếm rủi ro, đi kèm với lobby để tiếp cận được nguồn lực hiếm, như nguồn vốn lớn đi vay.

Thứ hai, xu thế suy giảm lợi thế so sánh động của nền kinh tế. Việc tăng quyền tự chủ, nhưng buông lỏng cơ chế giám sát sử dụng vốn đầu tư, khiến cho dự án càng mạo hiểm, thì càng dễ được cấp vốn và dòng vốn càng dễ bị lái vào hoạt động đầu cơ trên thị trường chửng khoán mới nổi.

Thứ ba, khu vực DNNN rất dễ bị tổn thương bởi cú sốc từ nền kinh tế thế giới. Lợi thế so sánh động có một hàm ý rất cụ thể tới chiến lược đầu tư của các Cty xuyên quốc gia, vốn, công nghệ, kỹ năng tổ chức công nghiệp hiện đại chỉ tìm đến nơi nào có lợi thế so sánh động cao hơn so với “chính quốc”. Nhưng ở Việt Nam lại đang diễn ra một xu thế ngược lại: nhịp độ tăng lương quá cao cho việc thuê các nhà quản lý, kỹ sư, hay công nhân lành nghề đến làm việc ở nơi sở tại; tốc độ giảm hiệu quả đầu tư lại quá nhanh. Thấy trước như vậy, không một Cty xuyên quốc gia nào lại sản xuất linh kiện phụ trợ tại Việt Nam, mà sẽ nhập khẩu chúng từ nơi khác, có lợi thế so sánh động cao hơn, ví dụ từ Thái Lan, Indonesia, hay Trung Quốc. Việt Nam chỉ còn một lựa chọn: nhập khẩu (gần như  80% phụ kiện) và dùng lao động rẻ để lắp ráp lại thành sản phẩm cuối cùng. Nói khác đi, Việt Nam chỉ có thể tham gia vào phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu; nơi mình có lợi thế so sánh tĩnh là nhân công rẻ.

Xây dựng cơ chế giám sát việc sử dụng vốn đầu tư

Hiệu suất sinh lợi của các DNNN như chiếc phanh vô hình, hãm dần đà tăng thu nhập ròng, hiệu quả và năng suất của các Tập đoàn, TCty Nhà nước.

Cổ phần hóa các Tập đoàn Nhà nước, có nghĩa là chúng buộc phải gây vốn thông qua phát hành cổ phiếu; hoặc đi vay ngân hàng thương mại với lãi suất không ưu đãi và bị siết chặt chi ngân sách cho các Tập đoàn này. Việc làm sai nguyên tắc đó, tức là cho các Tập đoàn DNNN phát hành cổ phiếu, đi kèm với tăng vốn vay ưu đãi hoặc vốn ngân sách chi cho đầu tư, thì sẽ lại làm nóng thị trường tài chính mới nổi. Làm sụt giảm hơn nữa lợi thế cạnh tranh động; làm tăng rủi ro có thêm “Vinashin” mới và tăng tỷ lệ nợ/GDP. Điều đó bao hàm rằng, tái cấu trúc tập đoàn DNNN phải đi kèm với tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chuyên dụng. Chúng sẽ không thể tiếp tục là kênh bơm vốn với lãi suất ưu đãi tới địa chỉ đã định bởi Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính. Do vậy, một yêu cầu khách quan là cần “phi tập trung hóa” các ngân hàng chuyên dụng, như Agribank. Việc phân nhỏ các ngân hàng chuyên dụng; biến chúng thành rất nhiều ngân, hàng nhỏ, sẽ khiến mỗi ngân hàng chỉ có thể chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các dự án đầu tư. Tức là, khả năng cam kết tăng lên. Nói gọn lại, tái cấu trúc tập đoàn DNNN đòi hỏi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng tạo ra một thị trường vốn, gồm nhiều ngân hàng nhỏ cạnh tranh.

Trong bước đi như vậy, ngân sách chi cho đầu tư cũng phải được “tái cấu trúc”. Nếu DN góp nhặt được tiến bộ công nghệ để tạo lợi nhuận độc quyền, chèn ép DN khác, thì hiệu quả và sản lượng của toàn ngành sẽ giảm. Ngược lại, nếu mỗi DN đầu tư chỉ vào lĩnh vực mà nó có ưu thế nhất và phối hợp nhau để tạo ra các sản phẩm cạnh tranh hơn, thì tri thức công nghệ lan nhanh hơn và năng suất toàn ngành cao hơn. Ngân sách có thể dùng để kích thích sự phối hợp, bằng cách thưởng cho nỗ lực hợp tác: tăng chi đầu tư, hay giảm thuế suất, nếu các DN đã đạt được sự phối hợp. Cơ chế kích thích đó phải được lồng vào quy hoạch dài hạn; và được trao đổi, làm rõ với các Bộ, ngành và các Tập đoàn có liên quan. Qua đó, làm hình thành rõ kỳ vọng về chiên lược ưu tiên phát triển và hiệu quả cần đạt được trong các kỳ kế hoạch 5 năm, chi tiết ra cho kế hoạch trung hạn và từng năm. Trên thị trường vốn cạnh tranh, hoạt động của nhiêu ngân hàng thương mại sẽ bổ trợ cho đầu tư dài hạn từ ngân sách theo nghĩa: chúng phát đi tín hiệu sớm nhất về các dự án ít triển vọng; cho phép kịp thời điêu chính, tái cơ cấu các khâu yếu kém nhất. Như vậy, khả năng giám sát và cam kết được tăng lên.

Đầu tư ngân sách cũng cần tập trung cho việc xây dựng các bệnh viện, trường học, được phân tầng theo trình độ nhận thức và khả năng chi trả của dân cư từng khu vực. Điều này không mới, nêu không nhấn mạnh rằng: Trường là nơi phải đào tạo ra tài năng có tính cạnh tranh khu vực; và các ngành công nghiệp là nơi thu hút tài năng để tạo ra các sản phẩm cạnh tranh, có suất sinh lời tăng theo việc tăng quy mô thị trường (IRTS). Thị trường tài chính - bảo hiểm sẽ hiện đại hóa dần lên để làm dễ dàng cho các dòng luân chuyển vốn và lao động.

Nguồn: DDDN