VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Tương lai kinh tế châu Âu, vì sao đáng quan ngại? (09/9)

09/09/2014 - 216 Lượt xem

Giờ là lúc các nhà đầu tư đang đánh cuộc rằng, NHTW châu Âu (ECB) cuối cùng cũng sẽ phải đưa ra chính sách bơm tiền tương tự như chương trình mua trái phiếu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Vậy đâu là những nguyên nhân chính khiến chúng ta phải lo ngại?

Nga và cuộc khủng hoảng Ukraine

Các thị trường đã chứng kiến sự cải thiện tích cực trong những ngày vừa qua khi các thông tin về việc Moscow và Kiev đã đạt được nhất trí về các bước đi cần thiết để thiết lập một lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine. Các nhà đầu tư kỳ vọng, các tiến triển về ngoại giao có thể khiến phương Tây có lý do để tạm hoãn việc gia tăng thêm các lệnh cấm vận mới đối với Nga - như châu Âu đã tuyên bố trong tuần này sẽ xác định những biện pháp trừng phạt mới có thể áp dụng với Nga trong trường hợp tình hình khủng hoảng Ukraine không có tiến triển hoặc diễn biến xấu đi.

Nhưng có lẽ chặng đường để đến được những nhất trí về một lệnh ngừng bắn thực sự còn xa vời. Điều này hàm ý là một thỏa thuận giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng nhiệm Ukraine Poroshenko nhiều khả năng sẽ không sớm đạt được như kỳ vọng. Kéo theo đó, nền kinh tế Nga và các DN phương Tây đang hoạt động tại đây sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực, trong khi niềm tin tiêu dùng và kinh doanh ở châu Âu cũng bị sứt mẻ thêm.

Bên cạnh đó, ngay cả khi không có thêm những lệnh cấm vận và trả đũa cấm vận mới, thì những lệnh trừng phạt, cấm vận hiện tại mà các bên áp dụng cũng còn lâu mới được bãi bỏ. Theo nhận định của giới phân tích, một phiên bản “chiến tranh lạnh” ở mức độ nhẹ gần như chắc chắn xảy ra và sẽ kéo dài.

Giảm phát

Đây là một nguy cơ đang hiện hữu với cả khu vực khi mức lạm phát thực tế rất thấp so với mục tiêu đề ra và kỳ vọng vào việc đạt được mục tiêu lạm phát cũng đang ngày càng bị xói mòn. Giá tiêu dùng giảm hoặc hầu như không tăng tại 8 trong số 18 nước thành viên khu vực Eurozone. Lạm phát của khu vực giảm xuống chỉ còn 0,3% trong tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Lạm phát quá thấp rất có thể sẽ làm tổn hại cho một nền kinh tế chẳng khác gì khi lạm phát tăng quá cao, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng Euro vẫn ở mức 2 con số.

Tại sao thế? Bởi nếu các hộ gia đình và các DN kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức rất thấp trong một thời gian dài nữa thì họ hoàn toàn có thể phải trì hoãn việc chi tiêu cũng như đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ đó gây ra một vòng xoáy đi xuống. Hơn thế nữa, lạm phát quá thấp sẽ khiến các quốc gia gặp khó khăn hơn trong trả nợ, đồng thời buộc các nền kinh tế yếu ở châu Âu phải cắt giảm tiền lương để cạnh tranh với các nước thành viên mạnh hơn như Đức.

Đình trệ

Đình trệ xảy ra khi nền kinh tế tăng trưởng chậm trong một thời gian dài. Nguy cơ này xem ra cũng không phải là nhỏ với khu vực Eurozone nói riêng và cả EU nói chung khi trong suốt một thời gian dài vừa qua, sự phục hồi kinh tế chỉ chủ yếu xoay quanh việc làm sao vượt khỏi suy thoái.

Nhìn lại thời gian gần đây, nếu Đức - nền kinh tế đầu tàu đã cho thấy dấu hiệu rơi vào chu kỳ đảo ngược tăng trưởng - có lý do hợp lý là đổ lỗi cho phía Nga thì với các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba là Pháp và Italy cũng đang phải gánh chịu những hậu quả của nhiều năm “lãng phí cơ hội” để trở nên cạnh tranh hơn. Italy đang quay trở lại với suy thoái kinh tế lần thứ ba trong 5 năm qua trong khi Pháp cũng không có chiến lược rõ ràng nào cho tăng trưởng từ năm 2011.

Cả hai thành viên lớn này đều đang nỗ lực đẩy mạnh thay đổi. Tại Pháp, bộ trưởng kinh tế của nước này tuần trước đã đề cập tới vấn đề nhạy cảm là cần sửa đổi chế độ làm việc 35 giờ/tuần hiện nay để tăng tính cạnh tranh. Nhưng rõ ràng mọi nỗ lực thay đổi có khả năng phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ các công đoàn và thành viên của chính phủ.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi đang cố gắng hiện đại hóa hệ thống tư pháp của đất nước để khuyến khích đầu tư nhiều hơn, nhưng để nhìn thấy những lợi ích thực sự thì cũng cần nhiều năm nữa. Pháp, Italy cũng như các nền kinh tế khác đang nỗ lực để nới lỏng các quy định thắt lưng buộc bụng của châu Âu nhằm đổi lấy một cam kết làm cho nền kinh tế của họ linh hoạt hơn. Tuy nhiên, tất cả còn đang ở phía trước.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng