VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Xây dựng bản đồ và lộ trình công nghệ: Kinh nghiệm của các nước và bài học cho Việt Nam

08/09/2014 - 251 Lượt xem

Thành công tại nhiều quốc gia

Bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ không chỉ đóng vai trò trong việc xây dựng, đánh giá hiệu quả chiến lược, chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực mà còn giúp cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhận diện công nghệ hỗ trợ cho các sản phẩm ưu tiên trong tương lai; giúp xác định những công việc bị trùng lặp trong hoạt động R&D.

Từ những thập niên 70 của thế kỷ trước, bản đồ và lộ trình công nghệ đã được nghiên cứu áp dụng và cho đến nay, bằng những cách tiếp cận khác nhau, hàng nghìn lộ trình công nghệ đã được xây dựng tại hàng chục quốc gia trong nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong đó phải kể tới Thái Lan, nhờ xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp ô tô gắn kết với nội dung xây dựng lộ trình công nghệ mà trong 5 năm (2007 – 2012), số lượng xe sản xuất của quốc gia này đã tăng gần gấp 2 lần với tỷ lệ nội địa hóa từ 50 lên 80% (đối với xe con) và 90% (đối với xe tải và bán tải). Trong giai đoạn 2012 - 2020, lộ trình công nghệ đã được xây dựng chi tiết hơn và là một trong 3 trụ cột chính để phát triển ngành ô tô của nước này.

Đối với Nhật Bản, bản đồ và lộ trình công nghệ là bản chiến lược quốc gia nhằm xác định các công nghệ mới nổi có tiềm năng phát triển thành ngành công nghiệp mới và duy trì lợi thế dẫn đầu trên thế giới. Bản đồ và lộ trình công nghệ của Nhật được xây dựng cho 31 lĩnh vực chính, mỗi lĩnh vực bao gồm những lộ trình công nghệ cụ thể. Đơn cử như với ngành năng lượng, có tới 37 lộ trình công nghệ trong từng lĩnh vực như nhiệt điện, pin nhiên liệu, bơm nhiệt, truyền tải và lưu trữ năng lượng... Chính phủ Nhật đã sử dụng lộ trình công nghệ để quản lý các hoạt động R&D, phân bổ tài chính và đánh giá hiệu quả các dự án. Những đơn vị nghiên cứu và thực hiện cấp dưới như NEDO (Hiệp hội Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới) cũng dựa vào đó để phối hợp quản lý, phân bổ tài chính cho các dự án thuộc đơn vị mình. Kết quả là sau khi NEDO áp dụng lộ trình công nghệ, số lượng dự án R&D bị dừng hoặc phải điều chỉnh giảm đi 20%, số lượng các dự án đạt kết quả tốt (về thành tựu công nghệ và khả năng ứng dụng) tăng lên 80% trong 5 năm.

Cũng có không ít kinh nghiệm quý giá từ việc áp dụng lộ trình công nghệ như một công cụ hỗ trợ quá trình quản lý, rút ngắn khoảng cách công nghệ của nhiều doanh nghiệp lớn. Trong đó phải kể tới thành công của Motorola khi bắt đầu áp dụng từ năm 1997. Sớm chọn lựa con đường đúng đắn, Samsung cũng thực hiện việc kết hợp lộ trình công nghệ với chiến lược phát triển và thương mại hóa, chuyển từ chi phí sang chất lượng sản phẩm. Tỷ lệ kết quả nghiên cứu được thương mại hóa tăng từ 18% trong thập niên 90 lên 80% năm 2004.

Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia

Mới đây, tại hội thảo Vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam do Văn phòng Hội đồng Chính sách Khoa học Công nghệ (KHCN) Quốc gia tổ chức, các vấn đề cần thiết để xây dựng, áp dụng bản đồ và lộ trình công nghệ, đổi mới công nghệ trong chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực hiện nay cũng như biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển, đổi mới công nghệ đã được đưa ra bàn thảo. Nhiều đại biểu cho rằng, nếu xây dựng và thực hiện thành công bản đồ và lộ trình công nghệ, Việt Nam sẽ hạn chế được tình trạng đầu tư lãng phí và trùng lặp trong các hoạt động R&D.

Trên thực tế, Chiến lược Phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025 có đề cập đến mục tiêu, định hướng phát triển công nghệ cũng như các hệ thống giải pháp KHCN thực hiện chiến lược quy hoạch. Nhiệm vụ xây dựng bản đồ, lộ trình và đổi mới công nghệ cũng là một trong 18 nhóm nhiệm vụ của Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đã được phê duyệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Phó vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Công thương Nguyễn Huy Hoàn, việc xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển cũng gặp một số khó khăn. Đơn cử như chưa làm rõ được vai trò của công nghệ; việc đánh giá thực trạng, năng lực công nghệ chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến định hướng, lộ trình phát triển công nghệ, giải pháp khoa học còn chung chung. Việt Nam cũng chưa có nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ của các ngành công nghiệp, trong khi theo kinh nghiệm của nhiều nước, đây là điều kiện quan trọng để xây dựng lộ trình công nghệ. Để giải quyết vướng mắc đó, Bộ Công thương đã tổ chức đánh giá thẩm định công nghệ trong 12 ngành, giao cho 2 viện thực hiện nhiệm vụ này theo hướng dẫn của Bộ KH-CN và xây dựng bản đồ công nghệ cho 2 ngành công nghiệp.

Thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia gồm thông tin về hiện trạng, khoảng cách công nghệ, năng lực nghiên cứu trong nước phục vụ việc xây dựng bản đồ và lộ trình, đổi mới công nghệ cũng là hạn chế cần khắc phục. Theo các chuyên gia, cơ sở dữ liệu này có thể được xây dựng trước hoặc song song với việc tiến hành triển khai xây dựng lộ trình công. Đây sẽ là cơ sở để so sánh, xem xét khoảng cách về trình độ KHCN nước nhà với các quốc gia tiên tiến, từ đó dự báo được khả năng tăng trưởng, tiềm năng phát triển. Về xây dựng bản đồ công nghệ, nước ta có thể áp dụng hệ thống và chuẩn hóa lại các công nghệ đã được điều tra, đánh giá bao gồm năng lực công nghệ, khả năng ứng dụng, khoảng cách công nghệ, mức độ sẵn sàng công nghệ và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý. Được biết, Hội đồng Chính sách KHCN Quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ phương pháp luận cũng như các điều kiện đặc thù để báo cáo Chính phủ về cơ chế cần thiết hỗ trợ quá trình xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia.

Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH-CN, việc xây dựng bản đồ, lộ trình và đổi mới công nghệ cần có sự vào cuộc của nhiều chuyên gia, nhà quản lý đến từ Chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Bên cạnh đó, nước ta cũng cần ưu tiên đầu tư, tập trung mọi nguồn lực tài chính cho hoạt động này như kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ, Mỹ xây dựng lộ trình ngành công nghiệp điện tử bán dẫn vào năm 1997 với kinh phí khoảng 1 triệu USD hay Canada thực hiện xây dựng lộ trình công nghệ cho các ngành, lĩnh vực với kinh phí hàng trăm nghìn USD dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu về bản đồ công nghệ đã được xây dựng.

Bản đồ công nghệ là bộ tài liệu mô tả, phân tích hiện trạng, khả năng sử dụng công nghệ tại một thời điểm xác định; tương quan giữa các loại công nghệ với yêu cầu phát triển công nghệ phù hợp với mục đích sử dụng; xác định các xu hướng phát triển công nghệ, những công nghệ ưu tiên, dự báo nhu cầu công nghệ.

Lộ trình công nghệ là bản kế hoạch thể hiện diễn biến thay đổi và định hướng phát triển trong tương lai của đối tượng công nghệ đang xem xét để đạt các mục tiêu được xác định trong trung và dài hạn.

Lộ trình đổi mới công nghệ là quá trình xác định mục tiêu, nội dung, trình tự, phương án sử dụng nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong một thời gian xác định.

(Theo TS. Đỗ Hữu Hào - nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Ủy viên Hội đồng Chính sách KHCN Quốc gia).

Nguồn: daibieunhandan.vn