VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Các nền kinh tế đang phát triển: Cải cách là con đường thoát khỏi lối mòn

11/04/2014 - 222 Lượt xem

Động lực đến từ bên trong

Việc Mỹ rút dần các biện pháp kích thích tăng trưởng khiến cho nhiều nền kinh tế lâu nay phụ thuộc vào xuất khẩu càng thêm khó khăn. Có một sự nhất trí rộng rãi rằng, để tiếp tục duy trì tăng trưởng thì các nền kinh tế này ngoài việc cần tăng cường mở rộng thị trường còn phải biến thách thức hiện nay thành cơ hội thúc đẩy các cải cách trong nước cũng như thúc đẩy hợp tác khu vực.

Các nền kinh tế mới nổi tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn kể từ đầu năm tới nay. Đồng nội tệ và thị trường chứng khoán của nhiều quốc gia như Argentina, Nam Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đáng kể, khiến NHTW của họ phải tăng lãi suất để ngăn chặn luồng vốn rút ra.

“Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp gói nới lỏng định lượng (QE) đã cho thấy những trục trặc mà các nước mới nổi có thể gặp phải do quá phụ thuộc vào dòng vốn bên ngoài và xuất khẩu”, chuyên gia Li Xiangyang, Giám đốc Viện Chiến lược Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Bác Ngao (BFA) 2014 vừa qua.

“Đây chính là một hồi chuông cảnh báo để các nước này cần tìm kiếm một lối thoát thông qua cải cách và tăng cường hợp tác”. Nói cách khác, “lối mòn” trong dựa vào xuất khẩu và quá phụ thuộc vào dòng vốn bên ngoài cần phải thay đổi.

Tác động của việc Mỹ rút QE3 rất khác nhau đối với mỗi nước, nhưng rõ ràng, những nước phụ thuộc nhiều vào dòng vốn bên ngoài chính là những nền kinh tế chịu tác động mạnh nhất. “Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động tài chính, những ngày tốt đẹp của lao động giá rẻ, đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng lớn hay xuất khẩu bùng nổ của các nước châu Á đã qua đi. Lúc này, các nước cần tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới" - Shan Weijian, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Nhóm Liên minh Thái Bình Dương đề xuất.

Theo một báo cáo gần đây của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, việc Fed rút QE3 tác động rất mạnh tới những nền kinh tế thiếu các “gối đệm tài chính” như dự trữ ngoại hối thấp hay các công cụ chính sách như chế độ tỷ giá thả nổi.

Trong một thông điệp phát đi trước thềm Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF-WB vào tuần này, bà Christine Lagarde - Tổng Giám đốc IMF cho rằng, tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi đã và có thể tiếp tục bị tác động mạnh bởi việc cắt giảm quy mô gói QE3 của Fed. Bên cạnh đó, việc Fed có khả năng nâng lãi suất cơ bản cũng sẽ khiến các dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi bị đình trệ.

Bởi vậy theo các chuyên gia, đây chính là thời  điểm để các nền kinh tế này tiến hành các cải cách cơ cấu một cách quyết liệt theo hướng dựa nhiều hơn vào cải thiện năng suất và hiệu quả. “Cần để cho thị trường có tiếng nói mạnh hơn trong phân bổ các nguồn lực để khuyến khích các động lực tăng trưởng mới” – Tổng thư ký BFA Zhou Wenzhong nêu quan điểm.

Trong một báo cáo hồi đầu năm nay, tập đoàn Merrill Lynch cho rằng Trung Quốc, nhờ chủ động trải qua những cải cách sâu rộng, đã gần như “miễn nhiễm” với việc cắt giảm gói QE3. Thặng dư tài khoản vãng lai được duy trì, nợ nước ngoài thấp, dự trữ ngoại tệ cực lớn, tiết kiệm cao và kiểm soát vốn tốt là những yếu tố đã giúp Trung Quốc giảm thiểu được tác động của cắt giảm QE3.

Stephen P. Groff, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra lời khuyên rằng, các nền kinh tế châu Á khác cần học tập Trung Quốc và thúc đẩy mạnh cải cách trên các lĩnh vực từ tài chính, giáo dục đến y tế, môi trường để tránh bẫy thu nhập trung bình.

Thúc đẩy cạnh tranh qua tăng cường hợp tác khu vực

Muốn đạt được tăng trưởng bền vững, các nền kinh tế mới nổi cần phát triển được hệ thống thị trường rộng lớn hơn. Trong đó, việc thắt chặt hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước trong khu vực có thể giúp mỗi nền kinh tế có gối đệm tốt hơn trong đối phó với các rủi ro kinh tế toàn cầu cũng như tạo ra một động lực cho thị trường toàn cầu.

Theo Tổng thư ký BFA - ông Zhou Wenzhong, các nền kinh tế châu Á nên mở rộng hợp tác từ thương mại hàng hóa đến thương mại dịch vụ, đầu tư và kết nối cơ sở hạ tầng; đồng thời cần đưa ra các quy định mở hơn để hỗ trợ các dòng chảy nguồn lực trong khu vực. Trong đó, việc xây dựng Con đường Tơ Lụa mới và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, có thể tạo ra hành lang cho một thị trường châu Á mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, chặng đường xây dựng được các hành lang hợp tác như vậy xem ra còn dài. Đơn cử, vòng đàm phán thứ tư của RCEP vừa kết thúc tại tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc đầu tháng này mà không đạt được nhiều tiến triển so với ba vòng đàm phán trước, chủ yếu do mức độ phát triển kinh tế và tự do hóa thương mại của mỗi nước đang ở các giai đoạn khác nhau và cũng còn nhiều khác biệt về quan điểm giữa 16 quốc gia thành viên.

Theo một báo cáo nghiên cứu sâu của BFA vào tháng trước, quan hệ thương mại và kinh tế trong khu vực chủ yếu dựa trên mạng lưới thương mại hàng hóa trung gian hay nói cách khác, đây là một chuỗi giá trị. Điều đó hàm nghĩa là, nếu RCEP có hiệu lực, sẽ là nơi thể hiện được tốt nhất lợi ích của các nước thành viên.

"Các nước châu Á cần nỗ lực để thúc đẩy hội nhập hơn nữa về kinh tế và thương mại. Một điều quan trọng khác là cần xóa bỏ các rào cản kiểm tra các dòng chảy dịch vụ và hàng hóa tự do” - Peter Mandelson, Chủ tịch của Global Counsel LLP kiến nghị. Cùng với hội nhập thương mại khu vực, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong khu vực tài chính để giúp chống lại các biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.

“Các rủi ro tỷ giá và chi phí giao dịch ở các nền kinh tế châu Á có thể giảm xuống nếu các hiệp ước, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương được ký kết hay các đồng tiền khu vực được sử dụng trong định giá và thanh toán” – chuyên gia Zhou nói.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng