VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

N%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%20-%20N%C3%B4ng%20th%C3%B4n%20-%20N%C3%B4ng%20d%C3%A2n

Cần đột phá thể chế phát triển nông nghiệp

27/03/2014 - 306 Lượt xem

Những năm qua, nền nông nghiệp nước ta đã từng bước phát triển, bước đầu được công nghiệp hóa, phát huy được vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và bộc lộ những yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong khi cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, tăng trưởng GDP nông nghiệp có xu hướng giảm dần, tốc độ tăng GDP nông nghiệp giai đoạn 2001 - 2005 đạt 3,83%/năm, giảm xuống 3,3%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010, năm 2013, tốc độ này tiếp tục giảm còn 2,8%.

Trong khi rất cần vốn để phát triển thì đầu tư phát triển của toàn xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất thấp, giảm từ 8,5% năm 2000 xuống còn 6,2% năm 2010. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này hiện chỉ chiếm 1 - 2% tổng vốn FDI. Cùng với đó, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chậm đổi mới; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được bảo đảm; ô nhiễm môi trường tăng…

Riêng trong ngành trồng trọt, hạn chế lớn nhất là vẫn chưa theo quy hoạch vùng, trên những mảnh ruộng manh mún rất khó để áp dụng khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch lại càng kém. Nước ta xuất khẩu các loại nông sản như lúa gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu… đứng đầu thế giới về sản lượng nhưng chủ yếu vẫn chỉ là xuất khẩu thô, sơ chế rồi bán, giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, giá trị các mặt hàng nông sản của Việt Nam bao giờ cũng thấp hơn mặt bằng chung của các mặt hàng cùng loại trên thị trường quốc tế. Thực tế này cũng có một phần nguyên nhân từ thương hiệu, kênh phân phối, tiếp thị chưa chuyên nghiệp.

Theo các chuyên gia, mặc dù còn nhiều khó khăn như vậy, nhưng nền nông nghiệp hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ. Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nhận định, nông nghiệp trồng trọt của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt với nhiều mặt hàng như lúa gạo, cà phê, cao su… Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung vào vấn đề xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực thì Việt Nam càng cần phải phát huy thế mạnh này. Những lợi thế về nông nghiệp trồng trọt cho phép Việt Nam có thể trở thành hình mẫu trong phát triển nông nghiệp, mang lại lợi ích cho nông dân, đất nước và góp phần vào sự ấm no của nhân loại. 

Để đến cái đích này, còn rất nhiều việc phải làm. Ts Võ Trí Thành nhấn mạnh, điều kiện cần thiết và quan trọng nhất là phải có đột phá về thể chế để nông nghiệp phát triển. Trong lịch sử phát triển của nước ta, đó là đột phá về cơ chế Khoán 10, thực hiện nền sản xuất nông nghiệp dựa vào hộ nông dân với quyền tự do sản xuất trên ruộng đất của mình. Đột phá này chính là chìa khóa để thay đổi lịch sử của nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam từ nước đói ăn, nhập khẩu lương thực thành nước dư thừa và xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay, vai trò trung tâm của kinh tế hộ gia đình không thể đưa nền nông nghiệp phát triển bởi thiếu lợi thế về quy mô; không gắn kết tốt với chuỗi giá trị từ khâu giống, sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối ra thị trường; hộ gia đình cũng không phải là tổ chức có thể hấp thụ hiệu quả được vốn, kỹ thuật. 

TS. Võ Trí Thành cho rằng, đột phá ở thể chế trong phát triển nông nghiệp có nhiều nội dung. Trong đó cần phải có đột phá về thể chế trong tổ chức mô hình, phương thức sản xuất quy mô lớn ở những vùng có điều kiện, bên cạnh vai trò của hộ gia đình. Đột phá này sẽ khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục các bất cập mà sản xuất nông nghiệp quy mô hộ gia đình không giải quyết được, đồng thời hướng đến một nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp chuyên nghiệp, bền vững.

Bên cạnh đó, cần phải có phương thức tăng vị thế của người nông dân trong mặc cả hàng hóa trên thị trường nhằm phân phối hợp lý thu nhập; tìm phương thức cụ thể gắn hỗ trợ trực tiếp của nhà nước ở một mức độ nhất định nhằm điều hòa thu nhập bấp bênh của người nông dân. Cũng có thể nghiên cứu tìm cách phối hợp tạo ra hàng hóa công cộng trong nước và khu vực như cung cấp sản phẩm cho các chương trình dự trữ quốc gia của nước ta và các nước khác…

Tháng 6/2013, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững cả về tự nhiên và xã hội, bảo đảm môi trường trong sạch, góp phần xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp; phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, chất lượng, hướng tới trở thành một cường quốc xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đề án này chưa đề cập sâu sắc và thỏa đáng yếu tố cải cách thể chế nhằm giải quyết vấn đề liên kết, tổ chức mô hình, phương thức sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. 

Trong bài viết nhân dịp tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “... cần thấy rõ rằng, quá trình tích tụ ruộng đất sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, cơ giới hóa nông nghiệp tăng nhanh, sản xuất hàng hoá nông nghiệp phát triển ngày càng cao với quy mô lớn, có phương thức sản xuất hiện đại, vùng sản xuất lớn, cho nên cần coi trọng phát hiện, nhân rộng các mô hình tốt về hợp tác, liên kết trong đầu tư, sản xuất nông, lâm nghiệp và khai thác hải sản trên biển. Đó là xu thế phát triển khách quan trong thời gian tới, vấn đề đặt ra là chúng ta tác động định hướng hiện thực hóa xu thế đó thế nào cho vững chắc để sớm đạt được hiệu quả cao nhất”.

Rõ ràng, cần sớm nghiên cứu, đưa ra các chính sách đột phá trong cải cách thể chế để nông nghiệp nông thôn có thể phát triển bền vững, không chỉ là trụ đỡ của nền kinh tế, mà hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành thương hiệu của quốc gia.

Nguồn: daibieunhandan.vn