VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Kinh tế Trung Quốc suy yếu, cơ hội nào cho Việt Nam?

24/03/2014 - 213 Lượt xem

Nền kinh tế Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu không mấy khả quan trong thời gian gần đây, đặc biệt, số liệu về tình hình xuất khẩu tháng 2 sụt giảm mạnh.

Do Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn, lại có điều kiện địa lý giáp ranh, liệu Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội gì từ tình hình hiện nay của Trung Quốc.

Trung Quốc: những số liệu đáng thất vọng

Phiên giao dịch ngày 10/3 vừa qua, thị trường chứng khoán châu Á nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng đã có một phiên lao dốc mạnh. Chỉ số CSI 300 giảm 3,3% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Đồng nhân dân tệ (NDT) đã có lúc giảm tới 0,5% so với đồng đô la Mỹ, là mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 12/2008.

Báo cáo về tình hình xuất khẩu tháng 2 đáng thất vọng, chỉ đạt 114 tỉ đô la Mỹ, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước (trong khi dự báo của các chuyên gia trước đó cho rằng xuất khẩu sẽ tăng 7,5%). Điều này được cho là nguyên nhân chính khiến tâm lý nhà đầu tư Trung Quốc hoảng loạn.

Xuất khẩu sụt giảm chỉ là một trong rất nhiều nghi ngại về tình hình sức khỏe thời gian gần đây của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tăng trưởng GDP năm 2013 của Trung Quốc chỉ đạt 7,7% / mức thấp nhất kể từ năm 1999. Dự báo của các tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều cho rằng năm 2014, Trung Quốc sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng thấp hơn năm 2013.

Chính phủ Trung Quốc định hướng "lái" động lực tăng trưởng từ khu vực xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa, đồng thời giảm tỷ trọng tổng vốn đầu tư/GDP trước nguy cơ nợ trái phiếu chính quyền địa phương của nước này đã tăng cao đến mức báo động. Tuy nhiên, tất cả những định hướng trên cần thời gian dài mới có thể phát huy hiệu quả.

Trước mắt, nếu xuất khẩu tiếp tục suy giảm (cho dù tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu/GDP chỉ khoảng 30%), tăng trưởng của Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực trong năm 2014.

Thách thức và cơ hội nào cho Việt Nam?

Việt Nam, với tư cách là một đối tác thương mại lớn (thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu và 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ít nhiều từ việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.


Đánh giá sơ bộ và định tính có thể thấy nhiều khả năng một số nhóm hàng của Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, tiêu biểu là nhóm hàng nguyên nhiên liệu thô, khoáng sản (chủ yếu là dầu mỏ, than đá) và nhóm hàng nông lâm thủy sản (tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu của hai nhóm hàng này năm 2013 lần lượt là 16,5% và 17,8%).

Các nhóm hàng khác có tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng phần kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng không quá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung, như dệt may, giày dép, máy vi tính, điện thoại và linh kiện, có thể sẽ ít chịu tác động hơn.

Trên phương diện nhập khẩu, nếu xuất khẩu sang các đối tác thương mại lớn như Mỹ và EU gặp khó khăn, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh hàng hóa sang các nước láng giềng châu Á và khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, khi các cam kết về cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc sẽ phải được Việt Nam hoàn tất vào cuối năm 2015.

Khi đó, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc sẽ có nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn (cuối năm 2013 đã đạt hơn 23 tỉ đô la Mỹ, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Thông tin mới nhất liên quan đến chính sách điều hành tỷ giá của Trung Quốc được ban hành ngày 17/3 là biên độ giao dịch tỷ giá được nâng lên gấp đôi so với mức trước đây, từ ± 1% lên 2%; nghĩa là từ ngày 17/3, NDT có thể biến động tối đa 2% so với tỷ giá tham chiếu được Ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố hàng ngày. Lần điều chỉnh biên độ giao dịch của NDT gần đây nhất là tháng 4/2012 (tăng từ 0,5% lên 1%).

Động thái mới này của Trung Quốc đi ngược lại rất nhiều dự báo gần đây cho rằng NDT sẽ lên giá trong năm 2014 đi kèm với lộ trình dần tự do hóa các giao dịch ngoại tệ của Chính phủ Trung Quốc.

Với dữ liệu về xuất khẩu yếu kém trong tháng 2/2014 cộng với chính sách biên độ được nới thêm, NDT nhiều khả năng sẽ giảm giá trong các tháng tới, tạo điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc (đây hẳn là điều Trung Quốc đã tính đến khi quyết định nới biên độ tỷ giá).

Điều này sẽ mang đến áp lực đối với kinh tế Việt Nam trên cả phương diện xuất khẩu và nhập khẩu cho dù mức độ ảnh hưởng có thể sẽ không quá lớn do biên độ biến động NDT chỉ được nới thêm 1%.

Một mặt, các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ và EU như dệt may, da giày, đồ gỗ... Mặc khác, các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc sẽ có thêm cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam, khiến thâm hụt thương mại với Trung Quốc có nguy cơ ngày càng mở rộng.

Về căn bản, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị (đạt hơn 6 tỉ đô la Mỹ năm 2013, chiếm 18% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc) và các nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu như điện thoại và linh kiện (hơn 5,5 tỉ đô la Mỹ), nguyên phụ liệu dệt may và da giày (hơn 5 tỉ đô la Mỹ)...

Với cơ cấu này, khả năng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc trong các năm tới có thể vẫn ở mức cao. Tuy vậy, điều này sẽ có cơ hội chuyển biến khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vì khi đó, các nhà xuất khẩu tại Việt Nam sẽ phải chú ý nhiều hơn đến nguyên tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi thuế suất từ TPP bằng cách chuyển sang nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu từ các nước là thành viên tham gia ký kết hiệp định này, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc như hiện nay.

Ngoài ra, vẫn còn những cơ hội để Việt Nam có thể hưởng lợi một khi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc suy giảm. Rõ rệt nhất là sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc để đến các thị trường có điều kiện sản xuất tương đương nhưng bớt rủi ro hơn.

Việt Nam là một ứng cử viên sáng giá trong kịch bản này với triển vọng gia nhập TPP trong những năm tới, trong khi Trung Quốc thì không tham gia hiệp định này.

Trên thực tế, thu hút vốn FDI ròng của Trung Quốc đã liên tục sụt giảm kể từ năm 2008 trở lại đây (năm 2013 chỉ đạt 27,4 tỉ đô la Mỹ so với mức bình quân 55 tỉ đô la Mỹ của giai đoạn 2008-2012).

Trong khi ở Việt Nam, dòng vốn FDI có sự khởi sắc, đặc biệt trong năm 2013 với mức tăng trưởng vốn đăng ký lên tới 54% so với cùng kỳ năm 2012. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong năm 2014.

Nguồn: ndh.vn