VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Phát triển bền vững

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2011- 2015: Một chặng đường, nhiều giải pháp

25/02/2014 - 494 Lượt xem

PGS., TS. TÔ ĐỨC HẠNH

Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (2011 – 2015)

Đại hội Đảng lần thứ XI xác định: Giai đoạn 2011 - 2015 là nền tảng quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Một nửa chặng đường đã đi qua, dù còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng khi GDP (giai đoạn 2011- 2013) đạt trên 5%.

Qua đó, chúng ta tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,0 - 7,5%/năm; Giá trị công nghiệp, xây dựng tăng 7,8 - 8%/năm; Giá trị nông nghiệp tăng 2,6 - 3%/năm; Cơ cấu GDP: nông nghiệp 17 - 18%, công nghiệp và xây dựng 41- 42%, dịch vụ 41- 42%; Sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ đạt 35% tổng GDP; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%, giảm nhập siêu và đến năm 2020 cân bằng được xuất nhập khẩu; Vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm đạt 40% GDP; Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 23 - 24% GDP; giảm mức bội chi ngân sách xuống 4,5% GDP vào năm 2015…

Tuy nhiên, ngay năm đầu tiên bước vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội (2011 - 2015), do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp… đã tác động không thuận đến nền kinh tế Việt Nam. Những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế cùng với những mặt trái của chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã làm cho lạm phát tăng cao (năm 2010 lạm phát tăng 11,75%, năm 2011 tăng vọt lên 18,13%) ảnh hưởng không nhỏ đến ổn định kinh tế vĩ mô, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và tăng trưởng kinh tế…

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có những điều chỉnh kịp thời về mục tiêu và nhiệm vụ theo hướng tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý. Ngày 08/11/2011, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 10/2011/QH khoá XIII, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 – 2015 bình quân từ 7,0 – 7,5%/năm xuống còn 6,5 – 7,0%/năm. Bình quân trong 3 năm qua, mức tăng trưởng GDP đạt 5,52%, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 5,7% của khối ASEAN năm 2012, thấp hơn so với chỉ tiêu chung cho kế hoạch 5 năm đã đề ra là 6,5 – 7,0%/năm. Cụ thể: Năm 2011, GDP của Việt Nam đạt 5,89%; Năm 2012, mức tăng trưởng giảm xuống còn 5,25%; Năm 2013, mức tăng trưởng đạt 5,42%, cao hơn năm 2012, nhưng vẫn thấp hơn năm 2011.

Tình hình tăng trưởng kinh tế (2011 – 2013)

Những thành công

Mặc dù tăng trưởng kinh tế trong 3 năm qua đạt tỷ lệ thấp (bình quân chỉ tăng 5,52%/năm) nhưng trong điều kiện cụ thể với tình hình kinh tế thế giới trì trệ thì đây là mức tăng trưởng thành công của Việt Nam. Kinh tế có dấu hiệu phục hồi vào năm 2013 và có thể tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo. Năm 2013, Chính phủ thực hiện quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế; Tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN); Xử lý nợ DN, nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã đạt được những kết quả khả quan. Đáng chú ý, kết thúc năm 2013, tổng số các DN đăng ký thành lập mới đạt 76.955 DN, tăng 10,1% so với năm 2012. Qua đó có thể thấy, đã có dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế, đây là tiền đề tạo đà tăng trưởng trong hai năm cuối của kế hoạch 2011- 2015.

Những hạn chế, yếu kém

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm (2011 – 2013) chỉ đạt 5,52% so với chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI là 7,0 - 7,5% và Nghị quyết số 01/2011 của Quốc hội khóa VIII điều chỉnh mức tăng trưởng là 6,5- 7,0%/ năm thì mức tăng trưởng trên còn thấp hơn rất nhiều. Như vậy, nhiệm vụ còn lại của 2 năm tiếp theo là hết sức nặng nề.

Giá trị gia tăng của ba ngành kinh tế cơ bản là ngành Công nghiệp, Xây dựng và Dịch vụ trong những năm qua còn quá thấp so với chỉ tiêu đề ra: Giá trị gia tăng bình quân trong 3 năm của ngành Công nghiệp, Xây dựng đạt 5,9%/năm, trong khi chỉ tiêu kế hoạch là 7,8 – 8%/năm. Cùng với đó, ngành dịch vụ tăng bình quân là 6,59%/năm so với chỉ tiêu kế hoạch là 7,8 – 8%/năm. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 là 5,25%, không những thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch mà còn là năm có mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 14 năm qua.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém

Thứ nhất, từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009 đến nay, kinh tế thế giới vẫn sụt giảm, tăng trưởng chậm. Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, tăng trưởng GDP của kinh tế thế giới năm 2011 đạt 3,9%; năm 2012 (3,2%); năm 2013 (2,9%). Các nước mới nổi và đang phát triển đạt 6,2% (năm 2011); 4,9% (năm 2012) và ước đạt 4,5% (năm 2013). Những chỉ số trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Năm 2011, GDP của Việt Nam đạt 5,89%; Năm 2012 mức tăng trưởng giảm xuống còn 5,25%; Năm 2013, mức tăng đạt 5,42%, cao hơn so với năm 2012 nhưng thấp hơn so với 2011. Với mức tăng trưởng này, nhiệm vụ của 2 năm còn lại trong kế hoạch 2011 - 2015 là khá nặng nề.

Thứ hai, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta chậm được hoàn thiện; Nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa tạo ra được môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh; Còn tồn tại cơ chế “xin – cho”; Cải cách hành chính chậm và còn nhiều hạn chế, thủ tục hành chính rườm rà, tiêu cực còn lớn. Đặc biệt là nạn tham nhũng chưa được đẩy lùi, vẫn còn lãng phí lớn trong chi tiêu công.

Thứ ba, quản lý nhà nước về kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, song đạt hiệu quả chưa cao. Chưa tập trung được các nguồn lực, chưa phát huy được các tiềm năng của nền kinh tế; quản lý kinh tế vĩ mô chưa hiệu quả; Nhiều chính sách nhưng tính thực tiễn chưa cao; Chưa có những giải pháp, chính sách ứng phó linh hoạt, kịp thời với những tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thứ tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động kém hiệu quả của các DNNN. So với năm 2012, các DN đăng ký thành lập mới năm 2013 tăng 10,1% nhưng tổng số vốn đăng ký lại giảm 14,7%; Số DN giải thế hoặc ngừng hoạt động tăng 11,9% so với năm 2012. Trong 2 năm (2011 – 2012), số DN ngừng hoạt động hoặc phá sản khoảng 100.000 DN, chiếm khoảng 50% tổng số DN rút khỏi thị trường trong vòng 20 năm qua.

Năm 2012, chỉ riêng 73 tập đoàn và các tổng công ty nhà nước có tổng vốn chủ sở hữu là 735.293 tỷ đồng với tổng giá trị tài sản là 2.138.780 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 127.510 tỷ đồng. Số các DN 100% vốn của nhà nước cũng đã giảm từ 5.665 DN (2011) xuống còn 1.254 DN (2013). Năm 2013 chỉ có khoảng 80% số DNNN hoạt động có lãi, còn 20% hoạt động thua lỗ và hòa vốn. Trong số các DN hoạt động có lãi thì số DN đạt mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10% chiếm tới 46,5%; Còn mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trên 20% chiếm 23%. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các DNNN bình quân trong 3 năm là gấp gần hai lần. Do đó, các DNNN nợ lớn, trong tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại nợ của các DNNN chiếm tới 70%.

Thứ năm, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2012 tăng bình quân 3,91%/tháng, năm 2013 mặc dù có giảm nhưng vẫn ở mức 2,52%/tháng. Năm 2012, nợ xấu đạt 8,82% tổng mức tín dụng của nền kinh tế, tương đương khoảng 250.000 tỷ đồng. Với sự hoạt động có hiệu quả của Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), nên đến cuối năm 2013 mức nợ xấu giảm xuống còn 4,62%, tương đương khoảng 140.000 tỷ đồng và dự kiến đến hết năm 2015 có thể xử lý hết nợ xấu ngân hàng.

Thứ sáu, nợ công tăng cao, đầu tư toàn xã hội giảm. Nợ công Việt Nam tăng dần qua các năm và là một trong những quốc gia có mức nợ công cao của châu Á. Năm 2011, tỷ lệ nợ công so với GDP là 54,9%, giảm 0,9% so với năm 2010 (56,8%), nhưng năm 2012 tỷ lệ nợ công đã đạt mức 55,7% và năm 2013 là 56,2%. Mặc dù, tỷ lệ nợ công vẫn nằm trong mức an toàn (không quá 65%) nhưng đây là vấn đề đáng quan tâm, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Giải pháp tăng trưởng kinh tế (2013 - 2015)

Qua kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế 5 năm (2011 – 2015), có thể khẳng định, nhiệm vụ, mục tiêu phấn đầu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015 là hết sức nặng nề. Từ nay đến năm 2015, để đạt được các chỉ tiêu nói trên thì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 7,9%/năm. Trên cơ sở đó, chỉ tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế 2 năm (2014 – 2015) bình quân là 6%/năm. Riêng năm 2014, dự kiến tăng trưởng GDP đạt 5,8%/năm, đây là chỉ tiêu có tính khả thi.

Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 2 năm (2014 – 2015), theo chúng tôi cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh; phát triển đồng bộ các loại thị trường; Xóa bỏ cơ chế “xin – cho”; Quyết liệt thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ. Có những giải pháp mạnh chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí trong chi tiêu công. Thực hiện nghiêm túc chế độ “thủ trưởng” chịu tránh nhiệm, thưởng, phạt phải nghiêm minh.

Hai là, tăng cường ổn định đi đôi với tăng trưởng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thực hiện mục tiêu ổn định phải gắn liền với tăng trưởng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng. Điều hành hiệu quả tỷ giá, thị trường ngoại hối, thị trường vàng, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Tăng dự trữ ngoại hối, thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Ba là, quyết liệt tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Kích thích tăng tổng cầu và hỗ trợ phát triển thị trường trong nước. Khai thác có hiệu quả các cơ hội, ưu đãi trong cam kết quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Hạn chế phát sinh và đẩy nhanh xử lý nợ xấu, điều hành lãi suất cho vay phù hợp và tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn. Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công; Thực hiện tập trung kế hoạch đầu tư trung hạn; Quan tâm vốn cho các công trình trọng điểm, cấp thiết. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư gắn với tăng cường giám sát, thanh tra, bảo đảm quản lý thống nhất và thực hiện quy trách nhiệm của địa phương, chủ đầu tư gắn với bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện các TCTD, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại. Tiếp tục cổ phần hóa và nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng thương mại quốc doanh. Xử lý nghiêm minh và có hiệu quả những tiêu cực trong hoạt động ngân hàng. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống.

Nâng cao năng lực quản trị DN, chú trọng kiểm soát nội bộ và công tác cán bộ. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, thanh tra. Xử lý nghiêm minh các hiện tượng làm thất thoát tài sản của DNNN. Thực hiện công khai minh bạch hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Năm là, xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung nguồn lực phát triển nhanh kết cấu hạ tầng quan trọng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp vận động tài trợ và đẩy nhanh giải ngân vốn ODA. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay thương mại ưu đãi. Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tập trung đầu tư để hoàn thành các công trình, dự án cấp thiết về giao thông, thủy lợi, năng lượng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động mạnh các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (01/2011);

2. Nghị quyết số 10/2011 – QH khoá VIII của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Viêt Nam, ngày 08/11/ 2011;

3. Tổng cục Thống kê: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2010, 2011, 2012 và 2013;

4. Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 – 2015) và nhiệm vụ 2014 – 2015.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 2 - 2014

Nguồn: tapchitaichinh.vn