VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Điểm nóng

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: 8 Nghị định và 8 "con chiến mã"

21/02/2014 - 294 Lượt xem

5 Nghị định do Bộ Tài chính soạn thảo, 2 Nghị định do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, 1 Nghị định do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách là 8 Nghị định về các lĩnh vực DNNN được ban hành trong năm 2013 xem như Chính phủ đã hoàn thành cơ bản mục “hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách” được nêu trong Quyết định 929/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015.

5 Nghị định do Bộ Tài chính soạn thảo đó là Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai, minh bạch thông tin tài chính của DN có vốn nhà nước; Nghị định số 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước và quản lý tài chính đối với DN 100% vốn nhà nước; Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Nghị định số 189/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về CPH DNNN; Nghị định số 206/2013/NĐ-CP về quản lý nợ DNNN. Bên cạnh đó, Chính phủ còn ban hành các Nghị định số 50, 51/2013/NĐ-CP quy định về chế độ lương, thưởng đối với người lao động và lãnh đạo DNNN theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Nghị định số 172/2013/NĐ-CP về thành lập, giải thể DN 100% vốn nhà nước, Quyết định số 35/2013/QĐ-TTg theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư...

Soi vào thực tế, những nỗi lo thường trực ở khu vực này trong lĩnh vực quản lý và giám sát tài chính gắn với trách nhiệm của chủ sở hữu, DN và cơ quan quản lý về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN hiện đã vơi đi phần nào.

Trước tiên là lĩnh vực đầu tư, hiện nay DNNN chiếm khoảng 40% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% nguồn vốn ODA nên vấn đề đầu tư và hiệu quả đầu tư ở các DNNN được dư luận rất quan tâm. Sự lãng phí trong đầu tư ở khu vực này lâu nay không phải là chuyện hiếm. Nghị định số 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN đã lần đầu tiên được quy định trong Nghị định, nhằm tạo ra một khung pháp lý thống nhất và cụ thể trong hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào DN. Hơn nữa, để đảm bảo cho các DN tập trung vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính, tránh đầu tư dàn trải, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm. Nghị định đã quy định: “DN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những DN có ngành nghề kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.” Nghị định số 71/2013/NĐ-CP đưa ra trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư ngoài ngành bị lỗ, tức giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách của DN thì sẽ báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định. Đây là một trong những điểm nhấn nhằm tháo gỡ câu chuyện thoái vốn đang mắc kẹt ở nhiều DN. Riêng với vấn đề phân phối lợi nhuận, Nghị định đã thay đổi căn bản việc phân phối lợi nhuận sau thuế so với các quy định trước đây. Nguyên tắc cơ bản: Lợi nhuận sau thuế là thuộc quyền định đoạt của chủ sở hữu; việc phân phối đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người lao động. Những lo ngại DN giữ vốn, sẵn tiền, tự tung tự tác cũng sẽ không còn và đây cũng là một tiêu chí về kinh tế để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các DN này.  

Về vấn đề giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động, điểm yếu lâu nay do không phân rõ vai trò trách nhiệm dẫn đến tình trạng vừa trùng, vừa trống đã được khắc phục. Nghị định số 61/2013/NĐ-CP lần này đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp thực hiện giám sát tài chính, lấy kết quả giám sát tài chính làm cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN. Theo đó, DNNN sẽ phải chủ động tổ chức việc giám sát tài chính, xây dựng các biện pháp phòng ngừa rủi ro về nợ xấu, về huy động vốn để đầu tư phải đảm bảo đúng kế hoạch chủ sở hữu phê duyệt, trả được nợ.... Về phía chủ sở hữu phải tổ chức bộ phận chuyên trách để theo dõi, giám sát hoạt động tại các DN có vốn nhà nước; kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh khi DN có dấu hiệu rủi ro, mất an toàn tài chính. Về phía cơ quan quản lý nhà nước bám sát hoạt động của DN hỗ trợ chủ sở hữu quản lý, giám sát thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN và thực thi giám sát việc minh bạch, công khai thông tin tài chính của các DNNN để người dân biết và tham gia giám sát.

Cùng với đó, để tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy nhanh tiến độ CPH, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ra đời đã góp phần “khơi thông” một số ách tắc của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP trước đó. Đặc biệt là việc gỡ bỏ vướng mắc trong tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị DN… Những băn khoăn về chưa có những giải pháp cụ thể trong quản lý và xử lý nợ xấu tại các DN do Nhà nước làm chủ sở hữu cũng được quy định rõ ràng cách thức, quy trình và trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu tại Nghị định số 206/2013/NĐ-CP thực sự là công trình hữu hiệu giúp DN hoàn thiện công tác quản trị công nợ, chủ động phòng ngừa và ngăn chặn nợ xấu.

Đặc biệt, năm qua, dư luận tá hỏa khi phát hiện các DN công ích ở TP. Hồ Chí Minh nhận lương bạc tỷ. Cùng lúc đó, người ta thấy Nghị định về lương, thưởng - Nghị định số 50, 51/2013/NĐ-CP quy định về chế độ lương, thưởng đối với người lao động và lãnh đạo DNNN là thực sự cần thiết.

Có thể thấy rằng năm 2013, các khoảng trống pháp lý về quản lý tài chính ở khu vực DNNN cơ bản đã được lấp đầy và thực sự là động lực cũng như  áp lực về mặt pháp lý, về yêu cầu quản lý thúc đẩy các DNNN đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu bền vững DN theo đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Bên cạnh đó, hệ thống các cơ chế tài chính này cùng với hệ thống các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, chủ động về tài chính doanh nghiệp, tài chính ngân sách và tài chính tiền tệ trong niên độ 2013-2014 đã tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… góp phần tích cực trong việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội. Số liệu thống kê từ BXH V1000 năm 2013 cho thấy, các DNNN vẫn đang thể hiện tốt vai trò "tiên phong gương mẫu" của nền kinh tế trong việc đóng góp thuế TNDN vào ngân sách quốc gia, chiếm tới 52,6% tổng số thuế của bảng xếp hạng V1000. Điều đó chứng tỏ lợi nhuận kinh doanh của nhóm DNNN vẫn giữ ổn định và hiệu quả hoạt động của các bộ máy "cồng kềnh" đang được cải thiện rõ rệt, phần lớn nhờ vào việc tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi và cắt giảm chi phí một cách hợp lý. Trong Top 100 DN thuộc BXH năm nay có tới 42% là DNNN, đóng góp 64,5% tổng số thuế của Top 100 một lần nữa minh chứng cho những nỗ lực thay đổi để vượt qua khó khăn và vươn tới thành công của các DNNN.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2014 Chính phủ cũng đã có thông điệp tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và thực thi thể chế để các 8 Nghị định đã ban hành trong năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật về DNNN sẽ là cơ sở thúc đẩy các DNNN thực thi nhanh hơn, có chất lượng hơn các đề án tái cơ cấu DN đã được phê duyệt, nâng cao một bước hiệu quả sử dụng đồng vốn của Nhà nước, đồng vốn của người dân.

Nguồn: tapchitaichinh.vn