VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Ngân hàng trung ương toàn cầu đua nhau nới lỏng tiền tệ

14/05/2013 - 210 Lượt xem

Kích thích kinh tế

Theo các chuyên gia kinh tế từ Morgan Stanley và Credit Suisse, các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục kích thích kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại. “Hầu hết các NHTƯ trên thế giới đều có khuynh hướng nới lỏng. Với xu hướng như vậy, sẽ có nhiều NH nới lỏng chính sách trong tương lai” - báo cáo của các chuyên gia kinh tế Morgan Stanley, đứng đầu là nhà phân tích Joachim Fels tại London, nhận định.

Hôm 9.5, NHTƯ Hàn Quốc bất ngờ hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, đánh dấu lần hạ lãi suất thứ 511 của các NHTƯ toàn cầu kể từ tháng 6.2007 - số liệu của Bank of America Corp. cho biết. Việt Nam và Sri Lanka cũng nằm trong danh mục các nước thực hiện việc hạ lãi suất. NHTƯ Australia hạ lãi suất xuống thấp kỷ lục, trong khi NHTƯ Châu ÂU (ECB) và NHTƯ Ấn Độ quyết định nới lỏng chính sách hơn nữa vào tuần trước. Các nước như Australia, New Zealand và Thụy Sĩ cũng hành động để ngăn nội tệ tăng giá trước khi đà tăng này ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu. Những nước tiếp theo tham gia vào làn sóng nới lỏng theo dự đoán của Morgan Stanley gồm Trung Quốc, Philippines, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Nga và có thể là Hungary.

Lạm phát giảm do tăng trưởng chậm

Mặc dù NHTƯ Nhật Bản và Mỹ (BOJ và Fed) vẫn giữ nguyên chính sách, nhưng BOJ quyết định tăng gấp đôi lượng mua trái phiếu chính phủ, trong khi Fed để ngỏ khả năng tăng quy mô kích thích tiền tệ. Trong bối cảnh giá hàng hóa giảm, tăng trưởng kinh tế chậm chạp cũng làm giảm sức ép lạm phát, buộc các NHTƯ phải hành động để ngăn nguy cơ giảm phát. Chuyên gia kinh tế JPMorgan Chase dự đoán, lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống còn 2,3% trong quý II này, từ hơn 3% trong quý I/2012.

Mặc dù làn sóng bơm thanh khoản giúp TTCK toàn cầu tăng vọt, thì mặt khác đến nay nó không có nhiều tác dụng thúc đẩy tăng trưởng. Chuyên gia kinh tế tại Capital Economics cho rằng, ngay cả với nới lỏng chính sách như vậy, các NHTƯ cũng khó đưa kinh tế toàn cầu tăng trưởng trên 3%, nghĩa là thấp hơn trung bình 4% của những năm trước khủng hoảng tài chính. Tình hình tài khóa suy yếu, nhu cầu trả nợ nần của DN và hệ thống NH yếu kém của Châu Âu sẽ làm mất dần tác dụng của các chính sách nới lỏng.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang cảnh báo nguy cơ dẫn đến bong bóng tài sản hoặc tình trạng quá nóng tại một số thị trường mới nổi, khi có một lượng lớn tiền được bơm vào thị trường thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ. “Có nguy cơ các nền kinh tế quá nóng, vì vậy chúng ta phải chú ý đến những nguy cơ này” - Phó TGĐ IMF Naoyuki Shinohara nói. Song ông cho rằng, đó mới là dấu hiệu cảnh báo, chứ chưa đến mức phải rung chuông cảnh báo.

Tiền mặt chảy vào nền kinh tế toàn cầu từ nới lỏng tiền tệ tại Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu đang ảnh hưởng đến những giá trị tiền tệ và thúc đẩy đầu tư vào hàng hoá, BĐS và các tài sản khác.

Dragon Capital đánh giá cao việc các ngân hàng Việt Nam hạ lãi suất

Trong báo cáo mới đây, quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng Việt Nam đã sẵn sàng hơn trong việc gia hạn các khoản nợ cũ với mức lãi suất thấp hơn và điều này giúp hạ lãi suất cho vay nhanh hơn so với trong năm 2012 và chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong việc hạ lãi suất chủ chốt là một hướng đi hợp lý.

Theo nhận định của Dragon Capital, việc Chính phủ đã phát tín hiệu lãi suất cho vay sẽ cần phải được hạ thêm trong tương lai để hỗ trợ nền kinh tế đang cho thấy động thái tốt. Một loạt NTMT lớn, dẫn đầu là Vietcombank, đã tiến hành hạ lãi suất tiền gửi trong thời gian gần đây. “Điều này cho thấy bây giờ khả năng cuộc đua lãi suất cao đã chậm lại và dần sẽ không còn mạnh như trước kia nữa” - tổ chức này nhận định. Theo số liệu của Dragon Capital, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tiền gửi trong hệ thống NH đạt mức 5,3%, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 2,1%.

Ở một số thời điểm, sự dư thừa thanh khoản này sẽ dẫn tới việc hạ lãi suất cho vay. Cũng theo các chuyên gia của Dragon Capital, với mức lạm phát cả năm là 6,3%, thì lãi suất tiền gửi VND hiện vẫn thực dương. Và Việt Nam là một trong số rất ít các nước đang có chính sách lãi suất thực dương. “Nên chăng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tạo áp lực để giảm lãi suất tiền gửi USD về mức thấp hơn. Việc này sẽ đảm bảo việc hạ lãi suất tiền gửi sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới tỉ giá”, báo cáo đề xuất. Dragon Capital dự đoán, các lãi suất điều hành sẽ được NHNN cắt giảm thêm 1-2% trong 6 tháng tới.

Nguồn: Lao động