VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Điểm nóng

Tái cơ cấu: Cần tái lập cơ chế thị trường đúng nghĩa

27/04/2012 - 293 Lượt xem

Những ngày qua, một số ý kiến cho rằng chương trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam chưa sẵn sàng, vì chưa chuẩn bị chu đáo hay chưa ước tính rõ ràng tổn phí toàn thể hay nguồn tài trợ cho các phí đó. Bài này đề cập vấn đề tái cơ cấu trên một bình diện căn bản hơn, nêu ra một tổn phí ít hơn cho giai đoạn đầu 2012-2013 và có nguồn vay cụ thể để thực hiện; nhưng lại chú trọng sự thay đổi chiến lược phát triển toàn diện hơn và ít tốn kém hơn, dựa vào nguồn lực khu vực tư nhân thay vì chi phí cho ngân sách, và quan trọng nhất là dưới đề xuất cho một Đổi Mới II  vào thời gian còn lại của giai đoạn 2012-2015.

Bớt can thiệp vào thị trường

Từ vài năm qua, do những mất cân bằng kinh tế vĩ mô nghiêm trọng, chúng ta tìm cách can thiệp quá nhiều vào sự vận hành của nền kinh tế bằng những biện pháp hành chính.

Do đó, đặc biệt từ 2007 đến nay, một số nguyên tắc và vận hành căn bản của kinh tế thị trường bị thay đổi bởi ảnh hưởng của các nhóm lợi ích quan trọng (như đã được chính thức xác nhận trong các tuyên bố của giới hữu trách cao cấp nhất) và chi phối quá lớn đến nền kinh tế quốc gia, khiến nhiều quy luật thị trường bị méo mó bởi các biện pháp hành chính. Cùng đó là sự bùng mạnh thêm của các tổng công ty nhà nước với nhiều đặc quyền trong sản xuất và hưởng phân bổ tín dụng nhưng lại gây những thất thoát tài chính nghiêm trọng cho quốc gia.

Quan trọng nhất, bài viết này không chỉ nói đến vấn đề công bằng hay đạo đức xã hội khi các nhóm lợi ích hay hưởng đặc lợi đã hưởng lợi quá nhiều trong 4-5 năm qua, mà là trên phương diện hiệu quả chính sách kinh tế. Sự thiên vị hay ưu đãi các nhóm lợi ích (interest groups) và nhóm tìm đặc lợi (rent-seekers) đã dẫn dắt đến tình hình kinh tế tài chính khủng hoảng hiện tại với tăng trưởng kinh tế sụt giảm nghiêm trọng (chỉ còn 4-5%, mặc dù công bằng cũng phải nhận là do ảnh hưởng một phần của hai năm suy thoái kinh tế thế giới 2008-2009), so với một thập kỷ trước đó 1996-2005 (GDP tăng trung bình 7-8%).

Nhưng đáng lo nhất là sự mất cân bằng vĩ mô (macroeconomic disequilibrium) và sự mất mát thua lỗ tài chính khổng lồ của khu vực công trong vài năm qua. Hai nguyên nhân chính mới đây đã được các chuyên gia phân tích đầy đủ và sâu sắc (1):

Nhận xét gần đây nhất là của TS.Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), dựa trên khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư quá lớn, cho rằng "tiết kiệm của Việt Nam so với thế giới không hề thấp (khoảng 35%), tuy nhiên tổng đầu tư/GDP của Việt Nam giai đoạn từ 2006-2011 lại quá lớn, trung bình đều trên 40%; riêng năm 2011, do Chính phủ thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát nên con số này chỉ dừng ở mức 34,6%". Và "sở dĩ đầu tư của Việt Nam luôn ở mức cao là do mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa trên mở rộng đầu tư nhưng chất lượng đầu tư ngày càng giảm, năng suất nền kinh tế không được cải thiện."

Thêm vào đó, Chính phủ lại tập trung vào đầu tư công và cho các tổng công ty nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vì hiệu quả đầu tư của khu vực này thấp theo nhiều nghiên cứu khác nhau, kết quả là làm suy giảm toàn bộ năng suất nền kinh tế, điển hình là làm hệ số ICOR tăng nhanh từ 4-5 lên 7-8 trong những năm gần đây.

Nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh nhiều hơn các vấn đề chính sách tương lai trong các phần sau, không phải đơn thuần là các chính sách có tính "kỹ trị" như tài khóa ngân sách hay giá cả ..v..v.. theo các thảo luận thông thường, mà là các vấn đề căn bản hơn về thể chế, về tái lập nguyên tắc thị trường, về khu vực kinh tế chủ đạo dẫn dắt mới, nói chung về sự thay đổi triết lý và tư duy kinh tế căn bản để điều hành guồng máy kinh tế mới trong tinh thần một Đổi Mới đợt II (Economic Renewal, Mark II).

Các giải pháp khẩn cấp trước mắt

1. Vấn đề mất cân bằng vĩ mô căn bản nêu trên giữa chi tiêu và để dành đã gây ra lạm phát quá cao trong suốt 5 năm qua (2007-2011) và là một hình thức thuế gián tiếp phải trả bởi đại đa số cư dân.

2. Ưu tiên chính sách số một vẫn phải là giảm lạm phát, không phải bằng cách đẩy lãi suất lên cao nữa, mà bằng cách cắt giảm các món chi tiêu công khổng lồ vẫn tiếp tục cho các nhóm đặc quyền dưới tên những DNNN ưu đãi, các dự án "khủng" thiếu hiệu quả kinh tế nhưng vẫn được theo đuổi, các chương trình phát triển vùng/cảng/khu chế xuất thiếu hiệu quả kinh tế, tiếp tục được tài trợ hay hưởng ưu đãi tín dụng.

3. Tình trạng đình đốn sản xuất từ quý III/2011 đến nay - tháng 4/2012 - đã kéo dài 7 tháng, đang kéo theo sự phá sản của nhiều doanh nghiệp, nhất là DN vừa và nhỏ, và gây khốn đốn cho nhiều doanh gia có tim óc thật sự trong khu vực sản xuất vì thiếu tiếp cận tín dụng. Dần dà có thể khu vực tư doanh sẽ được thay thế bởi các DNNN vẫn có ưu tiên tín dụng và chúng ta sẽ trở lại thời xưa khi tỷ trọng khu vực nhà nước lại có dịp được phình to hơn với cơ chế xin - cho tràn lan thay vì phải thu hẹp dưới Đổi Mới I, bản thân tự nó đang bị lung lay tận gốc rễ vì các cơ chế thị trường tự do như tín dụng ngân hàng, lãi suất hay tỷ giá tự do đang bị thay thế bởi các thị trường chợ đen hay biện pháp hành chính.

4. Đặc biệt là các chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện nay nhằm mục đích "chữa cháy ngắn hạn" bằng các biện pháp hành chính đã kéo dài khá lâu, được lầm tưởng là đang có tác động tốt cho bệnh nhân là toàn nền kinh tế hay dân cư được "ngấm thuốc" sẽ khỏi bệnh, chẳng hạn tỷ giá tạm ổn định, lãi suất đang có chiều xuống nhờ "trần lãi suất", phân bổ tín dụng giữa các ngân hàng do cơ quan này định để cứu hệ thống ngân hàng hay giúp các "ngân hàng nhỏ"... Thật sự nếu phân tích kỹ thì các dấu hiệu trên chỉ mang tính tạm thời thiếu bền vững.

- Các lãi suất chính sách và lãi suất huy động trần được giảm (từ 14% xuống 12% hiện nay) đang đi đúng hướng theo lý luận trên đây. Nhưng việc tiếp tục duy trì lãi suất trần này cũng như việc chia các ngân hàng thành 4 nhóm để phân bổ 4 mức tăng tín dụng (quotas) khác nhau đặt ra nhiều dấu hỏi cho các quan sát viên kinh tế cả trong và ngoài nước về hiệu quả thật sự của các cải cách của NHNN. Duy trì lãi suất cho vay trần là tiếp tục "giết" các ngân hàng nhỏ, vì họ khó huy động vốn nơi các trương mục nhỏ lẻ của đa số dân cư.

- Các ngân hàng lớn chỉ phải trả 12% cho vốn huy động của đa số dân cư, nhưng lại được thả lỏng để cho vay trong thị trường 1 ở mức thỏa thuận riêng đã từng lên trên 20% - mức cao khủng theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, vài ngân hàng lớn lại đang hưởng lợi ích lớn hơn trên thị trường 2 với các ngân hàng khác qua thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất lại dâng cao trong thị trường này từ giữa tháng 3/2012. Cũng các ngân hàng lớn trong nhóm G7 này cách đây không lâu đã được độc quyền bán vàng SJC theo giá cao ngất trong nước và mua vàng tài khoản hay vật chất ngoài nước với giá thấp hơn (1,5-2,5 triệu đồng/lượng), và thu các món lợi nhuận "khủng".

- Thêm một biện pháp hành chính nữa là từ cuối tháng, NHNN áp dụng bốn mức tăng trưởng tín dụng (17%, 15%, 8% và 0%) cho bốn nhóm ngân hàng. Công bình là phải chờ một thời gian nữa xem việc áp dụng biện pháp này ra sao, nhưng cũng đang dấy lên thông tin trong giới ngân hàng là sắp phải lo sửa soạn chuyện "chạy" hay "bán" các quotas tín dụng.

5. Vấn đề lớn nữa là vai trò chủ yếu của chính sách tài khóa để giảm lạm phát. Nếu phải đẩy mặt bằng lãi suất xuống và và muốn giảm tổng cầu thì không còn cách nào khác là cắt chi tiêu ngân sách, nhất là đầu tư công. Có vấn đề nghiêm trọng nhất mà đa số giới hữu trách tài chính vẫn chưa nhận ra "vấn đề chỉ số" (index problem) trong việc sửa soạn các số chi - thu ngân sách phình to mỗi năm do bao gồm một tỷ lệ lạm phát cao và tỷ giá USD từ năm trước (thí dụ ngân sách năm 2012 dùng số năm 2011 với lạm phát 18% và tỷ giá trên 21.000), như vậy sẽ hàm ý cho năm nay 2012 mức thu - chi cũng sẽ "dung dưỡng" mức lạm phát hai con số vì chúng ta đã nhân số thu chi 2011 thực hiện với một tỷ lệ gia tăng cố hữu cho năm nay 2012.

6. Vấn đề sau nữa cho tái cấu trúc kinh tế và chính sách tài chính công là cần đưa mới vai trò chủ đạo của doanh nghiệp tư nhân thay vì các DNNN. Đây là một quyết định cả chính trị lẫn kinh tế can đảm nhất trong bối cảnh chính trị hiện tại của Việt Nam. Sẽ cần giảm cả tỷ lệ thu lẫn chi ngân sách so với GDP trong vài năm tới như kim chỉ nam dẫn đường cho chiến lược kinh tế mới này. Một biện pháp gây sốc quan trọng cho chiến lược mới này là giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20% trong bước đầu.

7. Sau cùng, cố gắng tạo lối ra cho các thị trường chứng khoán và bất động sản bằng sự cải thiện môi trường vĩ mô bền vững và tìm các nhà đầu tư mới (thí dụ các nhà đầu tư Nhật Bản đang nóng lòng tìm địa điểm mới cho các cơ sở bị thiệt hại vì thiên tai và nhiễm xạ gần Tokyo) có thể gây "sóng" và tái lập niềm tin lâu dài cho thị trường và người đầu tư

Các đề xuất và ước tính tổn phí tái cơ cấu

Sau các nhận định ngắn gọn và thẳng thắn về thực trạng kinh tế đất nước đầu năm 2012, chúng tôi chỉ muốn đề nghị là nên thay đổi chiến lược căn bản về đường hướng và thể chế của nền kinh tế trong dài hạn và chấp nhận một tổn phí tái cơ cấu vừa phải cho hai năm 2012-2013, để có thể tìm nguồn vay tài trợ thực tiễn và áp dụng sớm ngay từ quý III/2012, thay vì để kéo dài quá lâu hơn nữa. Các đề xuất được đưa ra:

- Nâng cao vai trò của khu vực doanh nhân tư nhân là đầu máy (locomotive) của một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.

- Điều hành kết hợp biện pháp hành chính và kinh tế

Các công cụ hành chính có tác dụng ngắn hạn hơn là các công cụ điều tiết bền vững của cơ chế thị trường. Mặc dù đem lại tác động nhất định nhưng cái giá của những biện pháp đó là những rủi ro đạo đức ở các ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý nhà nước. Và quan trọng nhất là tác động lên hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng suy giảm.

Sự không tương thích giữa các biện pháp hành chính và các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường sẽ tạo ra tình trạng giá cả và các tín hiệu thị trường khác bị bóp méo, không còn là cơ sở hay cho tín hiệu chính xác để các tác nhân kinh tế ra quyết định. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, bất kỳ khi nào tồn tại cơ chế hai giá thì luôn có sự trục lợi từ cơ chế. Tình trạng "hai giá" trong lãi suất, tín dụng và tỷ giá đã khiến các tổ chức tín dụng và khách hàng mệt mỏi, thị trường tiền tệ không minh bạch, và sau cùng nền kinh tế gánh chịu việc phân bổ các nguồn lực bị lệch lạc.

- Trong tinh thần trên, tuyên bố chính thức vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế tư nhân thay vì các DNNN là bước sáng kiến thứ nhất.

- Giảm gánh nặng thuế nói chung của nền kinh tế (giảm dần tỷ lệ tổng thu/GDP) và giảm thuế doanh nghiệp nói riêng từ 25% xuống 20% từ năm nay là bước chủ động thứ hai.

- Tập trung việc tái cấu trúc ba ngành kinh tế vào một cơ quan chỉ đạo duy nhất dưới sự đôn đốc trực tiếp của một phó thủ  tướng.

- Công bố chính thức một định hướng bằng số cho các chính sách vĩ mô trung hạn để hướng dẫn về định hướng chính sách mới của chính phủ và tái lập niềm tin cho các doanh nhân và giới đầu tư.

- Cần sự minh bạch thông tin hơn lúc nào hết. Đó là các chỉ số suy yếu kinh tế rất rõ ràng từ khu công nghiệp và nhập khẩu như đã bàn ở trên. Ngoài ra, thị trường tài chính vẫn chờ đợi sự công bố chính thức các số liệu về khảo sát tiền tệ và dự trữ ngoại hối như NHNN đã hứa trước đây.

Chương trình tái cơ cấu kinh tế của chính phủ, chúng tôi ước tính tổn phí khoảng 4 tỷ USD được ước lượng cho việc tái cấp vốn cho các ngân hàng (bank recapitalization program) để giải quyết vấn đề sinh tử là nợ xấu và thanh khoản được NHNN ước tính ở mức 3,6% của GDP. Ngoài ra, độ 1 tỷ USD để thực hiện việc tái cơ cấu một số tổng công ty nhà nước, mà thiết thực nhất và ít tốn kém nhất là việc cổ phần hóa các công ty này thay vì chỉ thay đổi cấu trúc để tiếp tục hoạt động dưới cái dù của khu vực nhà nước, sẽ chẳng giải quyết được gì  trong vấn đề hiệu năng lâu dài. Còn chương trình giảm đầu tư công chỉ hoàn toàn thực hiện trong khuôn khổ ngân sách hàng năm và không phải đặt ra tổn phí phụ trội cho chương trình tái cơ cấu.

Như vậy con số chi tiêu tổng cộng cho 2 năm 2012-13 sẽ chỉ là 5 tỷ USD, chứ không phải là 10-15 tỷ USD như một số chuyên gia kinh tế khác đặt ra. Chính phủ có thể thăm dò ngay việc vay mượn từ ADB hay Ngân hàng Thế giới và thực hiện các điều kiện chính sách cho vay của họ, cũng là chất xúc tác cần thiết cho các thay đổi chính sách của xứ mình trong chiến lược phát triển mới nêu trên, mà chúng tôi tạm đề xuất là Đổi Mới đợt II, mà điểm nhấn là vai trò chủ đạo của khu vực tư nhân.

Nguồn: Vietnamnet