VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Điểm nóng

Tái cơ cấu: E ngại với "tuần tự tiệm tiến"

18/04/2012 - 303 Lượt xem

Tranh tối tranh sáng

Chủ trì một hội thảo về thương mại 2 tuần trước, ông Nguyễn Thành Biên, thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ: Trong khối ASEAN, Việt Nam được "nằm" trong nhóm "CMLV", tức Campuchia, Myama, Lào, Việt Nam, 4 nước đang ở cấp kém nhất của khối và vì thế, có thể được ưu ái hơn. Dự kiến, năm 2015, ASEAN có thể bảo lưu các yêu cầu cam kết giảm thuế cho 4 nước này để có thêm thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh trong sân chơi bình đẳng.

Tin này vừa vui, vừa buồn. Vui thì đã rõ, vì chúng ta sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị nội lực, nhưng buồn thì nhiều hơn. Điều đó chứng tỏ, nỗ lực đổi mới 25 năm qua của Việt Nam vẫn chưa có kết quả "đột phá" như mong muốn.  Chương trình hành động sau khi gia nhập WTO, rồi chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2000-2010, 2011-2020 vẫn chưa có sự "tăng tốc" tích cực như cam kết.

Phải chăng, đó là lý do mà cuộc điều tra cảm nhận của người dân về Nhà nước và thị trường do Ngân hàng thế giới và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vừa công bố đã khẳng định hệ thống kinh tế Việt Nam đang tranh tối tranh sáng?

Có tới 25% ý kiến tham gia điều tra cảm nhận rằng, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã là "kinh tế thị trường", 60% số người chỉ đồng tình nhận định này một phần.

Một con số tương ứng đối lập lại luồng quan điểm này là 22% ý kiến cảm nhận Việt Nam vẫn đang là nền kinh tế tập trung Nhà nước.

Dù rằng, cuộc điều tra này chỉ hỏi về suy nghĩ và nhận thức mang nhiều cảm tính hơn là yêu cầu lý tính phải rạch ròi đúng - sai thì kết quả trên cũng quả là đáng tiếc cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách hiện nay.

Qua ¼ thế kỷ, vì sao vẫn chỉ có ¼ người dân trong cuộc khảo sát tin rằng, nền kinh tế thị trường đã được hình thành ở Việt Nam? Nếu như thực sự nền kinh tế Việt Nam đã "thị trường" và cải cách như mong đợi thì hẳn, không thể có một kết quả cảm nhận còn lấp lửng như vậy.

Chưa hết, nhóm nghiên cứu này còn cho hay, có tới 28% người dân cảm thấy, tốc độ chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam trong 5 năm gần đây là rất chậm, hoặc chậm. Một tỷ lệ xấp xỉ như vậy, 26% ý kiến cho rằng, tốc độ chuyển đổi đó chẳng nhanh, cũng chẳng chậm. Đó là một tỷ lệ đáng kể cho sự không hài lòng của người dân vào sự vận động và phát triển của kinh tế kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO.

Đây thực sự là một nghịch lý. Ba dấu mốc quan trọng không thể quên cho tiến trình hội nhập: năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, năm 2000, Việt Nam ký kết  BTA với Hoa Kỳ 2000 và năm 2007, trở thành thành viên thứ 150 của WTO.

Việt Nam mất 11 năm để đàm phán gia nhập WTO với hàng bao kỳ vọng. Có hàng loạt các hiệp đinh đối tác, các cam kết song phương, đa phương đã được ký kết. Hành trình gian nan hội nhập và thương hiệu WTO hẳn là một động lực lớn lao thúc đẩy mạnh mẽ cải cách kinh tế toàn diện, nhưng rốt cục, câu trả lời lại là một nỗi than phiền về tình trạng "quá độ" kéo dài và "tranh tối tranh sáng".

Bước thụt lùi của cải cách

Có thể, nhiều nhà quản lý và hoạch định chính sách không muốn tin vào kết quả cảm nhận của người dân. Nhưng khi soi chiếu lại hiện trạng của nền kinh tế để xem xét thì có thể biết, cảm nhận ấy là chính xác hay là cảm tính vô căn cớ?

Sự đối lập giữa hai giai đoạn rất rõ ràng: trước WTO, giai đoạn 2001-2005, tình hình kinh tế Việt Nam ngày càng đẹp lên, GDP tăng lên, nhập siêu chưa thành vấn đề, xuất khẩu tăng lên, đầu tư khá tốt. Nhưng từ năm 2006-2010 thì đầu tư công gia tăng, GDP chậm lại và rủi ro vĩ mô rập rình và rất mạnh, nhập siêu thì quá lớn.

Việt Nam đã đánh mất nhiều cơ hội trong 5 năm qua. Khoảng thời gian này, kinh tế thế giới biến động dữ dội: thăng hoa- lạm phát- suy thoái- khủng hoảng. Trên bàn giấy và nghị trường, đã xuất hiện những tranh cãi gay gắt về thế nào là một mô hình kinh tế ưu việt?

Việt Nam bị tổn thương nhưng kéo dài đến nay, vẫn đang suy giảm, lao đao, đình đốn. Giữa cơn bão tố đó, Việt Nam vẫn chuyển động và vẫn có thích ứng nhưng chậm chạp. Những chương trình - thực thi sự đổi mới, cải cách, tái cơ cấu- tưởng chừng phải "tăng tốc, đột phá" là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh thì lại trở nên trì trệ và thụt lùi hoặc "tuần tự tiệm tiến" một cách rùa bò.

Nếu như giai đoạn 2002-2005, số các doanh nghiệp Nhà nước giảm mạnh, nhờ vào cổ phần hóa, mua bán sáp nhập, thoái vốn đầu tư..., đến giai đoan 2005-2008, tốc độ này đã giảm chậm hơn. Đặc biệt, từ năm 2009 trở lại đây, xu hướng thấy rõ là ngừng trệ hẳn, thậm chỉ đảo ngược khi có tới 175 doanh nghiệp Nhà nước lại được thành lập mới ở cấp Trung ương. Xu thế này vẫn còn đang tiếp diễn ở năm 2001 và 2012.

Ngay cả với các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa, đều chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, trong đó, không ít doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn nắm giữ môt phần chi phối lớn trên 50% trong các DN đã cổ phần hóa này.

Cuộc điều tra của VCCI và Ngân hàng thế giới còn cho thấy, tới 31% người dân tin rằng, sở hữu Nhà nước đang là chủ đạo thay vì sở hữu tư nhân. Có tới 34% người dân đánh giá, tốc độ chuyển đổi từ sở hữu Nhà nước sang tư nhân trong 5 năm gần đây là quá chậm, rất chậm. 1% ý kiến đánh giá tiêu cực nhất, nghĩa là có sự chuyển đổi ngược lại và vai trò của tư nhân đang bị giảm sút trong nền kinh tế.

Khi công bố số liệu này, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viên trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tự nhận mình thuộc nhóm 1% này. Kèm theo đó, ông nói một cách hóm hỉnh: "Và chân lý đôi khi lại không thuộc về số đông!"

Không thiếu dẫn chứng để thấy, nền kinh tế đã từng được hô hào là cải cách mạnh mẽ, toàn diện, nhưng trên thực tế, có một khoảng cách xa cách biệt.

Năm ngoái, Samsung xuất khẩu 6 tỷ USD nhưng tỷ lệ nội địa hóa có 16%, năm nay, doanh nghiệp này phấn đấu xuất khẩu 10 tỷ USD nhưng nội địa hóa thì có lẽ chưa thể "đột phá" được.

Đây là biểu hiện gần như dậm chân tại chỗ của quá trình chuyển dịch cơ cấu trong công nghiệp và nền kinh tế nói chung . Từ tinh thần chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ phải phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng hàm lượng giá trị gia tăng nhưng đến thực tế thì đã biến thành "đầu voi đuôi chuột".

Tới năm 2015, 90% dòng thuế nhập khẩu vào Việt Nam sẽ về 0%, và phần lớn số còn lại sẽ về 0% vào năm 2018. Chỉ còn 3-7 năm nữa để tăng cường nội lực, liệu nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam có tăng tốc đột phá về sức cạnh tranh được hay không?

Năm 2008, dân chúng nghe quá nhiều những cụm từ mỹ miều dành cho Việt Nam: Con rồng mới của châu Á, Ngôi sao đang lên... Nhưng 1 năm sau, từ 2009 đến nay, không thấy bất cứ vị chuyên gia hay lãnh đạo nào "dám" dùng tới hình tượng ấy, dù chỉ là thể hiện sự kỳ vọng.

Nói như ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, có một tình trạng phổ biến trong các đề án, chiến lược, nghiên cứu là "phân tích thì rất dày, đến kiến nghị thì mỏng". Liệu rằng, đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế có rơi vào lối mòn tư duy cũ, chỉ "tuần tự tiệm tiến" mà không thể "đột phá tăng tốc" như sách lược đề ra?

Nguồn: Vietnamnet