VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tái cấu trúc nền kinh tế

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam: Nhìn từ các điểm yếu

03/04/2012 - 326 Lượt xem

Nền kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình  này tuy được tiến hành từng bước, nhưng về nguyên tắc, kinh tế Việt Nam đã chính thức từ giã mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

Trong quá trình này, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa to lớn: tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bất cứ giai đoạn nào trước đó và được xếp vào nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm cao nhất thế giới trong suốt thời kỳ đổi mới vừa qua. Theo chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nghèo để tham gia vào nhóm các nước thu nhập trung bình; thành tựu xóa đói, giảm nghèo được thế giới thừa nhận là ấn tượng…

Tuy nhiên, sau chặng đường dài 1/4 thế kỷ thực hiện các chính sách đổi mới,  một số điểm yếu của mô hình tăng trưởng kinh tế đang bộc lộ rõ nét, thậm chí có mặt trở thành nhân tố gây cản trở quá trình tăng trưởng.

Tăng trưởng phụ thuộc nhiều hơn vào tăng vốn

Mặc dù về trị số tuyệt đối, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc loại khá cao, nhưng so với các nền kinh tế đang chuyển đổi khác, Việt Nam là nước duy nhất có tốc độ tăng trưởng 10 năm sau (2001 - 2010) thấp hơn so với 10 năm trước (1991-2000).

Mặt khác, là một trong những nước đang phát triển rất thiếu vốn, nhưng Việt Nam đã và đang duy trì phương thức tăng trưởng dựa chủ yếu vào thâm dụng vốn – yếu tố vốn đóng góp trên 50% tăng trưởng GDP. Trong khi lợi thế lao động trẻ, dồi dào, cùng với nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) chỉ đóng góp cho tăng trưởng vào khoảng 50% còn lại. Ở các nước phát triển, tỷ lệ đóng góp của riêng TFP vào kết quả tăng trưởng thường chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều, từ 50-60%.

Mặt khác, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học - công nghệ.  Chỉ số kinh tế tri thức còn rất thấp, chưa đạt được điểm trung bình. Theo phương pháp đánh giá do Viện nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra, thì Chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam năm 2008 là 3,02, xếp thứ 102 trong số 133 quốc gia được phân tích. Chỉ số này của Việt Nam tuy cao hơn của nhóm thu nhập thấp nhưng thấp hơn nhiều so với chỉ số của nhóm nước thu nhập trung bình thấp (4,1).

So với các nước trong khu vực, chỉ số kinh tế tri thức của nước ta chưa bằng 1/2 chỉ số đạt được của nhóm nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs gồm Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông), thấp hơn khá nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Philippines.

Sự phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư để tăng trưởng dẫn đến hệ quả là, muốn duy trì mức tăng trưởng cao, phải tiếp tục tăng vốn thêm nữa. Trong khi đó, nền kinh tế còn nghèo, tỷ lệ tiết kiệm thấp nên khó tăng từ bên trong. Muốn tăng thêm nữa phải dựa nhiều hơn vào các nguồn vốn bên ngoài, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, cả vốn FDI lẫn các nguồn khác đều có hạn và tỏ ra không chắc chắn.

Ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc

- Lạm phát cao hơn tăng trưởng. Thế giới 44/200 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân lớn hơn 5%/năm trong 20 năm qua. Trong số này, có 17 nền kinh tế có quy mô dân số hơn 20 triệu người.

Việt Nam đứng hàng thứ 3 về mức tăng GDP bình quân người/năm, nhưng lại nằm trong nhóm các nước lạm phát cao hơn tăng trưởng, cụ thể là lạm phát lớn hơn tăng trưởng 1,73 lần. Trong 5 năm từ năm 2007 đến nay, có tới 4 năm mức lạm phát của Việt Nam cao ở mức 2 con số.

- Lãi suất cao, thanh khoản ngân hàng yếu. Cùng với lạm phát cao, lãi suất cho vay cũng rất cao, hiện khoảng 17-18%/năm, khiến nhiều doanh nghiệp rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay. Đồng thời, tính thanh khoản của một số ngân hàng yếu. Trong khi đó, một phần vốn vay ngân hàng lại được các nhà đầu tư sử dụng vào kinh doanh bất động sản. Gặp lúc kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng khiến cho dòng vốn đầu tư cho sản xuất càng khó tiếp cận.

 

- Thâm hụt thương mại lớn, lại chủ yếu với một bạn hàng, dự trữ ngoại tệ mỏng. Mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam bình quân thời kỳ 2001-2010 thuộc loại cao, đạt gần 16%/năm, nhưng  hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô và hàng công nghiệp chế tạo hàm lượng công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp. Từ năm 2007 trở lại đây, mức độ nhập siêu cao và gần như toàn bộ giá trị nhập siêu là với một bạn hàng là Trung Quốc. 

 

Tình trạng lạm phát cao, lãi suất cao, nhập siêu lớn và hầu như chỉ với một bạn hàng…, khiến cho mức độ ổn định kinh tế vĩ mô trở nên thiếu vững chắc, lòng tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh và của xã hội vào giá trị đồng tiền giảm sút.

Năng suất lao động thấp và tăng chậm

Năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian qua đã có chiều hướng tăng đáng kể. Tốc độ tăng năng suất bình quân giai đoạn 2001 - 2010 đạt khoảng 4,8%/năm. Với mức năng suất lao động hiện nay, Việt Nam còn kém năng suất lao động của Trung Quốc khoảng 2,6 lần và Thái Lan 4,3 lần.

Về tiêu hao năng lượng, mức tiêu tốn năng lượng để tạo ra một đơn vị GDP của nước ta hiện  cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Số liệu của Tổ chức Năng lượng thế giới (EIA) cho thấy, năm 2005, tỷ suất điện năng để sản xuất ra 1 đô la GDP của Việt Nam là 0,97 KWh/1USD, bằng 2,4 lần mức trung bình của thế giới (0,4). Số liệu tương tự cùng kỳ của Singapore là 0,31; Hồng Kông: 0,21; Hàn Quốc: 0,46; Malaysia: 0,61; Thái Lan: 0,71; Ấn Độ: 0,90; và Trung Quốc là 1,06.

Như vậy, để tạo ra 1 USD của GDP, Việt Nam đã phải tốn lượng điện năng bằng 4,65 lần Hồng Kông; gần 2,10 so lần Hàn Quốc; 3,12 lần Singapore; và khoảng 1,37 - 1,60 lần so Thái Lan, Malaysia. Đáng chú ý, dù Việt Nam có suất tiêu hao điện trên một đơn vị USD GDP là 0,69, thấp hơn Trung Quốc (1,31), Ấn Độ (1,18) vào năm 1995, nhưng đến năm 2005, tỷ suất này của Ấn Độ (0,90) đã thấp hơn Việt Nam (0,97), còn Trung Quốc thì tỷ suất theo các năm giảm dần (0,25) gần bằng Việt Nam, trong khi Việt Nam qua 10 năm lại tăng lên 0,28.

Rõ ràng là, các nguồn lực của Việt Nam thời gian qua đã được phân bổ vào một số lĩnh vực chưa hợp lý, trong đó có sự chưa tương xứng giữa các loại ngành nghề sản xuất và sử dụng năng lượng. Hệ quả là, tình trạng mất cân đối trong một số lĩnh vực, trong đó có cung cấp nguyên vật liệu và năng lượng càng trở nên trầm trọng.

Sức cạnh tranh quốc gia chậm cải thiện

Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao trong 10 năm qua, nhưng các báo cáo đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia toàn cầu cho thấy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa được cải thiện nhiều trong những năm gần đây.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Chỉ số Năng lực cạnh tranh tổng hợp của Việt Nam đạt hạng 61 năm 2004/2005; hạng 64 năm 2006/2007; hạng 68 năm 2007/2008; hạng 70 năm 2008/2009 và hạng 75 năm 2009/2010.

Không những tụt hạng so với các nước, mà chúng ta còn chậm tiến bộ so với chính mình. Điểm số xếp hạng năng lực cạnh tranh tổng hợp trong ba năm gần đây gần như không đổi, thậm chí điểm xếp hạng năm 2009/2010 còn giảm chút ít so với năm 2008/2009. Kết quả này cho thấy, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong năm qua chưa nhiều và chưa đủ để cải thiện về thứ hạng.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh tổng hợp được xây dựng trên cơ sở đo lường các yếu tố có tác động lớn tới năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia. Các yếu tố này được phân loại thành 12 nhóm nhân tố, còn được gọi là 12 trụ cột thể hiện năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia, gồm: thể chế, hạ tầng, kinh tế vĩ mô, giáo dục tiểu học và y tế, giáo dục và đào tạo bậc cao, hiệu quả thị trường hàng hóa, hiệu quả thị trường lao động, trình độ của thị trường tài chính, mức độ sẵn sàng về công nghệ, quy mô thị trường, trình độ kinh doanh và đổi mới.

Năm 2008 và 2009, do kinh tế vĩ mô không ổn định, điểm số đối với chỉ tiêu này giảm mạnh so với những năm trước đó và trở thành nhân tố lớn nhất làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2009. Kể từ năm 2008 đến nay, điểm số cho mọi nhóm tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh tổng thể của Việt Nam đều thấp dưới trung bình, ngoại trừ tiêu chí giáo dục tiểu học và y tế. Trong đó, ba nhóm tiêu chí có thể coi là điểm yếu lớn nhất hạn chế năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện nay là giáo dục và đào tạo bậc cao, kết cấu hạ tầng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Các mục tiêu của cải cách thể chế chưa được chú ý đúng mức

Mức độ chưa hoàn thiện của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường (sự vận hành của nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường) có thể nhận thấy qua nhiều hiện tượng: những diễn biến khác thường của mối tương quan giữa tăng trưởng, lạm phát và thất nghiệp trong gần 2 thập kỷ qua, tình trạng cạnh tranh chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các thành phần kinh tế, các thức can thiệp vào hoạt động kinh tế  của bộ máy hành chính…

Quan sát tiến trình đổi mới thể chế, có thể nhận thấy rằng, từ nhiều năm nay, các mục tiêu của cải cách thể chế vẫn còn chưa thực sự được chú ý đúng mức. Có lẽ vì vậy, trong khi nhiều chỉ tiêu như tăng trưởng kinh tế, xuất – nhập khẩu, tăng vốn đầu tư, thu hút FDI, xóa đói giảm nghèo,… đạt kết quả tốt; thì nhiều chỉ tiêu phản ánh mức độ hoàn tất của quá trình chuyển đổi thể chế kinh tế -  chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN lại hầu như chỉ dừng ở mức định hướng chung, nhưng bước tiến thực tế thì chậm chạp.

Một số chỉ tiêu định lượng của chuyển đổi thể chế như cổ phần hóa DNNN… không mấy năm hoàn thành kế hoạch. Tình trạng kéo dài thời kỳ chuyển đổi quá lâu có thể dẫn đến nguy cơ làm cho động lực của các chính sách đổi mới yếu dần.

Nguồn: Đầu tư