VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Câu chuyện đồng nhân dân tệ

06/08/2010 - 193 Lượt xem

Bài viết này điểm qua một số góc nhìn xung quanh vấn đề này.

Những góc nhìn khác nhau

Góc nhìn của “người bị hại”: Đồng nhân dân tệ định giá thấp lấy đi hàng triệu việc làm của nước chúng tôi.

Trước tiên, có thể nhìn nhận một trong những lý do để Mỹ và các nước phương Tây gây sức ép để Trung Quốc nới lỏng việc gắn chặt tỷ giá đồng nhân dân tệ vào đồng đô la Mỹ là họ cho rằng Trung Quốc đã định giá thấp đồng nhân dân tệ như một phương thức trợ giá cho hàng Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa phương Tây.

Nghiên cứu của Morris Goldstein và Nicholas R. Lardy năm 2009 đưa ra một số số liệu cho rằng tỷ giá thực của đồng nhân dân tệ ngày càng giảm mạnh kể từ năm 2001 khiến mức độ định giá thấp đồng nhân dân tệ ngày càng lớn và là nguyên nhân khiến cho cán cân thương mại và cán cân tài khoản vãng lai ngày càng thặng dư.

Số liệu của tỷ giá thực hiệu lực cho thấy trong giai đoạn từ 2001-2005 đồng nhân dân tệ giảm giá tương đối nhiều. Cùng lúc đó, số liệu của IMF cho thấy tỷ lệ thặng dư tài khoản vãng lai trên GDP của Trung Quốc cũng mở rộng trong giai đoạn 2001 và 2005.

Vì vậy, có quyền nghi ngờ không phải chỉ do trùng hợp ngẫu nhiên mà thặng dư vãng lai của Trung Quốc tăng mạnh đúng vào giai đoạn tỷ giá thực của đồng nhân dân tệ giảm nhiều. Nói cách khác, ý kiến cho rằng việc đồng nhân dân tệ bị định giá thấp giúp tạo ra thặng dư vãng lai lớn ở Trung Quốc không phải là vô căn cứ.

Mặc dù từ 2005 đến nay, tỷ giá thực của đồng nhân dân tệ có điều chỉnh tăng trở lại nhưng mức điều chỉnh này vẫn được cho là không bù đắp được bao nhiêu mức độ định giá thấp của đồng tiền. Nghiên cứu của Goldstein và Lardy trích lại một ước tính của JP Morgan cho rằng nếu năm 2005 đồng nhân dân tệ được định giá thấp 23% thì đến cuối năm 2008 đồng tiền này vẫn được định giá thấp khoảng 19% xét về khía cạnh so sánh tỷ giá thực với tỷ giá cân bằng phải có nếu không cố định tỷ giá.

Như vậy, nhìn chung Mỹ có cơ sở để cho rằng việc định giá thấp đồng tiền của Trung Quốc là một chiến lược để duy trì sức cạnh tranh về mặt xuất khẩu và nền kinh tế Trung Quốc hưởng lợi từ việc tài khoản vãng lai không ngừng gia tăng. Paul Krugman cũng từng thẳng thắn nhận định trong một bài viết trên tờ New York Times vào cuối năm 2009 là cách tiếp cận kiểu hỗ trợ xuất khẩu này của Trung Quốc sẽ lấy đi hàng triệu việc làm của người Mỹ. Đây là góc nhìn của “người bị hại” trong việc Trung Quốc định giá thấp đồng nhân dân tệ.

Góc nhìn của “bị cáo”: Sao lại đổ thừa các vấn đề nội tại của anh là do đồng tiền của tôi gây ra?

Trong khi đó, nhiều học giả Trung Quốc lên tiếng bác bỏ quan điểm cho rằng việc định giá thấp đồng nhân dân tệ gây ra những vấn đề tệ hại cho các nước khác. Lẽ nào tỷ lệ tiết kiệm thấp, nhiều mô hình kinh doanh bộc lộ khiếm khuyết (ví dụ như trong ngành ô tô), chi phí quốc phòng và chiến tranh không giữ vai trò gì trong việc người Mỹ lâm vào tình trạng thâm hụt vãng lai và nợ nần chồng chất như hiện nay?

Giáo sư Huang Yiping của Đại học Bắc Kinh từng tranh luận rằng đã có ít nhất sáu giả thuyết được đề ra trong các nghiên cứu trước đây trên thế giới về việc vì sao cán cân vãng lai của Trung Quốc tăng mạnh, và lợi thế do tỷ giá tạo ra chỉ là một trong sáu giả thuyết đó. Năm giả thuyết còn lại bao gồm: lợi thế của Trung Quốc trong việc trở thành một công xưởng của thế giới sau khi gia nhập WTO, nỗ lực của chính phủ trong việc kích thích xuất khẩu trong điều kiện tỷ lệ chi tiêu dùng của người Trung Quốc thấp, xu hướng tiết kiệm của người Trung Quốc cao, hiệu quả của chính sách về dân số (ví dụ hiệu quả chính sách kế hoạch hóa gia đình gián tiếp tác động đến tỷ lệ tiết kiệm), và cuối cùng là có thể một số hình thức đầu tư vốn giấu mình dưới hình thức thặng dư từ giao dịch vãng lai.

Nói đơn giản, phía Trung Quốc, trong góc độ là “bị cáo”, cũng có những luận cứ của mình, trong đó luận điểm chính là đồng nhân dân tệ mạnh hay yếu không phải là nguyên nhân chính gây ra thâm hụt vãng lai lớn cũng như các vấn đề thất nghiệp, tiêu dùng quá mức và tiết kiệm thấp của Mỹ và các nước khác.

Bản thân Giáo sư Huang cũng đề ra một giả thuyết khác là các yếu tố đầu vào cho sản xuất ở Trung Quốc cũng bị “bóp méo” (ông gọi giả thuyết này là “factor-cost distortion”) để tạo ra một mặt bằng chi phí thấp. Ông đưa ra những lý luận cho thấy có lý do để tin rằng Chính phủ Trung Quốc có nhiều giải pháp để giữ lương nhân công thấp, chi phí đất đai dành cho nhà đầu tư vào sản xuất thấp (mặc dù thị trường bất động sản thì vẫn tăng nóng), chi phí vốn thấp (vốn vào nhiều mà vốn ra ít cộng với kiểm soát của chính phủ tạo ra một mặt bằng chi phí vốn thấp). Đồng thời ông cũng đưa ra một số ước tính thực nghiệm cho thấy việc tỷ lệ thặng dư vãng lai trên GDP của Trung Quốc giảm dần từ năm 2007 xảy ra gần như cùng lúc với việc giảm dần mức độ “bóp méo” các chi phí đầu vào.

Vậy ra phương Tây tố cáo Trung Quốc bóp méo tỷ giá để tạo thặng dư cán cân vãng lai là… còn thiếu. Trung Quốc còn bóp méo cả giá nhân công, đất đai cho sản xuất, vốn, giá năng lượng... để tạo ra hàng hóa rẻ có sức cạnh tranh cao. Vì vậy, có thể Trung Quốc nói cũng không sai về chuyện đồng tiền họ mạnh hay yếu không phải là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng trong thương mại toàn cầu. Đơn giản là vì họ… còn bóp méo cả những yếu tố khác nữa!

Góc nhìn trung lập

Với những phân tích ở trên, có thể thấy Trung Quốc có nâng giá đồng nhân dân tệ thì tình hình của Mỹ cũng không chắc được cải thiện nhiều. Một ước tính của C. Fred Bergsten thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (Peterson Institute for International Economics) - một trung tâm nghiên cứu ở Mỹ - cho thấy đồng nhân dân tệ phải lên giá 25-40% thì mới cải thiện được tình hình thâm hụt và việc làm của Mỹ (tương đối phù hợp với ước tính là tỷ giá thực của đồng tiền Trung Quốc vào cuối năm 2008 vẫn định giá thấp gần 20% như đề cập ở trên). Nhưng có lẽ Trung Quốc khó mà chấp nhận một mức tăng giá như vậy. Người ta vẫn từng nhắc chuyện Nhật nâng giá đồng yen trong thập niên 1980 là một trong những nguyên nhân gây ra tăng trưởng kém trong suốt hai thập kỷ của Nhật, và Trung Quốc đương nhiên không muốn đi vào vết xe đổ đó.

Tuy nhiên, Jenny Corbett của Đại học Quốc gia Úc và Takatoshi Ito của Đại học Tokyo cho rằng việc đồng yen lên giá và hệ quả của nó đối với xuất khẩu không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng yếu kém của kinh tế Nhật trong suốt hai thập niên qua mà những sai lầm về chính sách và tác động của việc đổ vỡ bong bóng trong nền kinh tế mới là nguyên nhân chính. Vì vậy, hai nhà nghiên cứu này cho rằng để đồng nhân dân tệ lên giá có thể còn có hiệu ứng tốt cho Trung Quốc khi có thể kết hợp việc để đồng tiền lên giá, nâng lãi suất và kiềm chế thanh khoản trong nền kinh tế nhằm giúp ngăn lạm phát và bong bóng tài sản.

Một ý kiến khác đáng chú ý là của Giáo sư Charles Wyplosz của Học viện Sau đại học (Graduate Institute) ở Geneva. Theo ông, những bằng chứng trong quá khứ về hiệu ứng phá giá của đồng yên Nhật đối với kinh tế Mỹ trong thập niên 1980 chỉ mang tính tạm thời và không giúp ích gì nhiều. Cuối cùng Mỹ cũng quay lại với thâm hụt và nợ nần lớn.

Góc nhìn cho Việt Nam

Những góc nhìn về chuyện tỷ giá của Trung Quốc trên đây cũng có một vài điều mà các nhà làm chính sách của nước ta có thể suy ngẫm.

Thứ nhất, liệu rằng điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn có tác động quan trọng hay không cho một nền kinh tế? Điều này vừa có nghĩa là có thể Ngân hàng Nhà nước không phải quá lo lắng nếu tỷ giá được điều chỉnh lên xuống nhiều hơn một chút, đồng thời cũng nghi ngờ là liệu phá giá đồng tiền có thể giúp cải thiện tình hình xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế hay không?

Các tranh luận ở trên vẫn không cho thấy một sự nhất trí về hiệu ứng của một đồng tiền yếu với thặng dư cán cân vãng lai, mà nó có thể do tổng hợp nhiều yếu tố khác, ví dụ nhiều loại chi phí kinh doanh và sản xuất thấp, chính sách chính phủ và cấu trúc tiết kiệm. Vì vậy, phá giá mạnh đồng tiền không nhất thiết sẽ giúp ích cho cán cân vãng lai nhưng một tỷ giá linh hoạt hơn và theo sát thị trường hơn một chút cũng chưa chắc là có hại gì lớn đến ổn định vĩ mô. Vấn đề chỉ là mức độ và thời điểm của những lựa chọn nới lỏng tỷ giá.

Thứ hai, cảnh báo của Jenny Corbett và Takatoshi Ito về sự nguy hiểm của việc duy trì một đồng tiền giá trị thấp, lãi suất thấp và bong bóng trong nền kinh tế là đáng quan tâm. Trong bối cảnh đồng Việt Nam thường bị sức ép giảm giá và không chiếm vị trí hàng đầu trong lựa chọn dự trữ của người dân, có lẽ chính phủ cũng cần chú ý điều hành lãi suất và giá cả sao cho không tạo thành một cục diện hội đủ yếu tố tiềm ẩn nguy hiểm cho nền kinh tế như được cảnh báo ở trên.

Cuối cùng, đề xuất của Giáo sư Wylopsz nhắm vào vấn đề căn bản: duy trì một tỷ lệ tiết kiệm hợp lý và ổn định tình trạng nợ nần là chìa khóa cân bằng trong nền kinh tế Mỹ. Đó có thể là một định hướng chính sách tốt để Việt Nam tham khảo.
Nguồn: TBKTSG