VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Các nước giàu cam kết giảm một nửa thâm hụt ngân sách

06/08/2010 - 169 Lượt xem

Lãnh đạo nhóm 20 nước công nghiệp và các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ ủng hộ chính sách cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, bất chấp cảnh báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng rút gói kích cầu quá nhanh sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu.

"Những thách thức nghiêm trọng vẫn còn", tuyên bố kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 cho biết. "Trong khi tăng trưởng đang trở lại, phục hồi lại không đồng đều và rất mỏng manh, tỉ lệ thất nghiệp ở nhiều nước vẫn ở mức không thể chấp nhận được và ảnh hưởng xã hội từ cuộc khủng hoảng này vẫn còn lan rộng".

Trong cuộc họp báo, ông Obama tỏ ra hài lòng về kết quả đạt được. Ông công nhận các nước phải có bước đi riêng của mình hoặc thúc đẩy tăng trưởng, hoặc cắt giảm ngân sách. "Chúng ta không thể vội vã làm nhiều thứ cùng một lúc", Obama nói.

Thủ tướng Đức Angela Merkel lại ủng hộ cắt giảm chi tiêu, thậm chí tăng thuế.

Trong tuyên bố sau hội nghị, các bên tham dự tỏ ra khá thận trọng giữa kêu gọi duy trì kích cầu của Mỹ và yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách. "Các nền kinh tế tiên tiến cam kết một kế hoạch tài chính, trong đó cắt giảm thâm hụt ít nhất còn một nửa vào năm 2013, ổn định hoặc giảm bớt tỉ lệ nợ chính phủ so với GDP vào năm 2016", tuyên bố nhấn mạnh.

Nhật Bản được "miễn trừ" đáp ứng mục tiêu cắt giảm nợ vì sự ì trệ kinh tế trong nhiều năm. Và thực tế, khối nợ khổng lồ của nước này không nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuyên bố G20 giới hạn mục tiêu giảm thâm hụt với hầu hết quốc gia công nghiệp và đề nghị chính phủ các nước linh hoạt khi bắt đầu thực hiện nỗ lực cân bằng giữa tăng trưởng và giảm thâm hụt.

G20 không đưa ra xác nhận việc ủng hộ đề xuất đánh thuế ngân hàng mà châu Âu và Mỹ đưa ra để thành lập một quỹ dành cho những gói giải cứu trong tương lai. Phía phản đối cho rằng, các ngân hàng ở Canada, Australia và Nhật Bản không sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Thay vào đó, tất cả các nước cần đảm bảo cho người đóng thuế không bị mặc kẹt nếu ngân hàng sụp đổ, cá nhân mỗi quốc gia tự quyết định cần phải làm thế nào.

Thủ tướng Canada ví von, các nền kinh tế toàn cầu đang trong cảnh "đi trên dây" khi phải đảm bảo cân bằng giữa chi tiêu ngân sách và duy trì tốc độ phục hồi rất mỏng manh hiện tại.

Theo giới phân tích, một số nước sẽ khó khăn hơn với nước khác khi hoàn thành mục tiêu giảm thâm hụt mới. Ví dụ như Mỹ, đạt mức thâm hụt kỷ lục 1,42 nghìn tỉ USD năm ngoái - khoảng 10% GDP. Các nhà kinh tế học dự đoán, thâm hụt năm nay của nước này sẽ chỉ giảm nhẹ xuống còn 1,3 nghìn tỉ USD - chiếm 9% GDP. Trong kế hoạch ngân sách mà Tổng thống Obama đưa ra hồi tháng 2, mục tiêu giảm thâm hụt là xuống một nửa vào 2012.

Anh thậm chí còn tồi tệ hơn. Thâm hụt năm nay của nước này là hơn 10% GDP. "Với các quốc gia châu Âu có mức thâm hụt ngân sách cao, đặc biệt là Anh - cao nhất trong G20, chúng tôi có đóng góp riêng với mục tiêu tăng trưởng ổn định bằng cách thể hiện cho thế giới thấy rằng, chúng tôi có thể sống với chính các biện pháp của mình", Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne.

Tuần trước, Anh đã đưa ra kế hoạch ngân sách khẩn cấp với biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu ở mức chưa từng có kể từ Thế chiến II.

Tuyên bố chung của G20 còn đề cập tới yêu cầu "thực hiện tỉ giá hối đoái linh hoạt hơn" nhưng không đề cập cụ thể tới động thái gần đây của Trung Quốc khi khẳng định sẽ cho phép tăng tỉ giá đồng nhân dân tệ với đồng đôla Mỹ.

Nguồn: Vneconomy