VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Mối lo hàng xuất khẩu của Trung Quốc

06/08/2010 - 187 Lượt xem

 

Tính chung cả năm 2009, Trung Quốc đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 1.200 tỉ đô la Mỹ, trong khi Đức chỉ xuất khẩu 816 tỉ euro (1.170 tỉ đô la Mỹ).

Vị trí dẫn đầu này chỉ có ý nghĩa tượng trưng, nhưng điều quan trọng là nó cho thấy khả năng đáng gờm của các nhà sản xuất Trung Quốc trong việc đẩy hàng ra thị trường toàn cầu bất chấp nhu cầu tiêu thụ suy giảm. Tỷ lệ hàng hóa Trung Quốc trong tổng lượng xuất khẩu toàn cầu cũng tăng chóng mặt, từ 3% năm 1999 đã lên mức 10% chỉ sau 10 năm. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố cuối năm ngoái dự báo, tỷ lệ hàng Trung Quốc trong tổng lượng xuất khẩu toàn cầu là 12% năm 2014 và 17% năm 2020.

Vì sao Trung Quốc duy trì được tăng trưởng xuất khẩu giữa thời buổi kinh tế suy thoái, nhu cầu tiêu thụ khô cạn? Nhiều nhà phân tích nói tới tác động của gói kích cầu 4.000 tỉ nhân dân tệ mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra cuối năm 2008, chính sách kìm giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp, khủng hoảng kinh tế khiến người tiêu dùng chuộng hàng hóa giá rẻ, việc bãi bỏ hạn ngạch hàng dệt may đầu năm 2009... nhưng nổi bật nhất là chính sách tỷ giá giữ đồng nhân dân tệ dưới giá trị thực để thúc đẩy xuất khẩu.

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tác động như thế nào đến các nền kinh tế khác? Báo The Economist dẫn số liệu của Trung Quốc cho thấy, năm 2009, mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc tăng 17,7% nhưng nhập khẩu tăng tới 55,9%; từ đó báo này nhận định, nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển theo hướng gia tăng tiêu thụ và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, góp phần tái cân bằng nền kinh tế thế giới. Thậm chí, tờ báo này còn lạc quan cho rằng, kinh tế Trung Quốc đã kéo thế giới đi theo ra khỏi cuộc khủng hoảng năm 2008-2009.

Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Nhập khẩu của Trung Quốc tập trung chủ yếu vào các mặt hàng nguyên liệu chiến lược và dầu thô. Số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc ghi nhận, năm 2009 Trung Quốc nhập khẩu 203,4 triệu tấn dầu thô, tăng 13,9% so với năm trước; nhập khẩu 627,8 triệu tấn quặng sắt, tăng 42% so với năm trước. Nguyên liệu, nhiên liệu nhập vào nước này không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa mà được tích trữ chờ giá lên hoặc được chế biến để xuất khẩu. Năm ngoái Trung Quốc đã xuất khẩu xăng nhiều hơn 64% so với năm 2008, xuất khẩu sắt thép tháng 12-2009 đạt 1,86 triệu tấn, tăng 17% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2008…

Việc nhập khẩu nguyên liệu ồ ạt của Trung Quốc đã đẩy giá nguyên liệu tăng cao trên thị trường thế giới; cùng với việc xuất khẩu ồ ạt các sản phẩm chế biến chẳng những không hỗ trợ mà còn gây khó khăn nghiêm trọng cho các nền kinh tế khác đang chật vật tìm cách ra khỏi khủng hoảng và tạo việc làm cho người dân. Ngay cả Mỹ, nền kinh tế lớn nhất và năng động nhất thế giới cũng không chống đỡ nổi làn sóng nhập khẩu nguyên liệu-xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Trong 10 tháng đầu năm 2009, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm 15% nhưng từ các nước khác lại giảm tới 33%, khiến cho thị phần của Trung Quốc tại Mỹ tăng lên mức kỷ lục 19% và năm 2009 một nửa nhập siêu của Mỹ là từ buôn bán với Trung Quốc, tăng cao so với mức một phần ba chỉ một năm trước đó.

Các nước láng giềng và có cùng trình độ phát triển kinh tế với Trung Quốc lại càng khốn khó hơn vì hàng hóa Trung Quốc được hỗ trợ bởi đồng nhân dân tệ yếu, lần lượt giành thị phần ở những thị trường nhập khẩu chủ yếu, đẩy các nhà sản xuất sắt thép, nhôm, áo quần, đồ gỗ… ngoài Trung Quốc rơi vào tình thế tuyệt vọng.

Nhà kinh tế học được giải Nobel năm 2008, Paul Krugman nói thẳng trên báo New York Times rằng bằng cách kìm giữ giá trị đồng tiền ở mức thấp để hỗ trợ xuất khẩu, Trung Quốc “đã hút cạn nhu cầu tiêu thụ tối cần thiết của nền kinh tế thế giới đang khủng hoảng”. Và ông Krugman cho rằng các nền kinh tế là nạn nhân của tính hám lợi (mercantilism) của Trung Quốc có quyền tiến hành các biện pháp bảo hộ mậu dịch. Thậm chí, ông Krugman quan niệm, bảo hộ thị trường nội địa trước cơn lũ hàng xuất khẩu Trung Quốc không phải là việc làm cần lên án mà ngược lại, nên khuyến khích để giữ việc làm cho người dân.

Mỹ đã bắt đầu áp thuế chống bán phá giá lên ống thép Trung Quốc, châu Âu gia hạn thêm 15 tháng việc áp thuế chống bán phá giá 16,5% lên giày da Trung Quốc. Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác gây áp lực ngày càng mạnh buộc Trung Quốc phải nới lỏng tỷ giá đồng tiền song dường như những sức ép đó đều vô hiệu. Một số quốc gia đã tự động giảm giá đồng tiền như một cách ứng phó với chính sách tiền tệ của Trung Quốc, thậm chí còn đề nghị hoãn thi hành một số điều khoản thương mại tự do đã ký với nước này.

Xem ra, với nhiều nền kinh tế trên thế giới, sự trỗi dậy của con rồng Trung Hoa đem lại nhiều mối lo hơn là niềm vui trong năm mới.

Nguồn: TBKTSG