VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh%20nghi%E1%BB%87m%20c%E1%BA%A3i%20c%C3%A1ch%20v%C3%A0%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20kinh%20t%E1%BA%BF%20-%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i%20c%E1%BB%A7a%20c%C3%A1c%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc

Khủng hoảng tài chính: hệ lụy từ 50 năm trước

06/08/2010 - 257 Lượt xem

Vài tuần nay, đâu đâu người ta cũng bàn luận về “bức tranh toàn cảnh” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này quả thật nhảm nhí bởi cái được gọi là bức tranh toàn cảnh đó chỉ thuật lại các diễn biến tài chính trong vòng 5 tới 10 năm trở lại đây. Như vậy thì không được coi là bức tranh toàn cảnh, và nếu có chăng cũng chỉ là bức tranh với những nét phác họa vội vàng mà thôi.

Bất bình này đã thôi thúc tôi gọi cho Walter Kiechel - nguyên chủ bút tờ tạp chí Fortune và Tổng Biên tập của Harvard Business Publishing. Mấy năm nay, ông đang dành tâm huyết nghiên cứu và cho ra đời một cuốn sách dự kiến xuất bản vào mùa xuân năm sau về lịch sử chiến lược công ty (corporate strategy) từ thập niên 60 của thế kỷ XX tới nay.

Lịch sử chiến lược công ty

Theo đánh giá của Kiechel, trước thập niên 60, khi lập kế hoạch kinh doanh, các doanh nghiệp thời đó chưa hề có bất kỳ khái niệm gì về chiến lược công ty theo cách hiểu của chúng ta ngày nay: là một cơ cấu tổng thể về giá, cạnh tranh và khách hàng.

Kiechel gọi sự ra đời của cơ cấu này là “cuộc cách mạng về mặt chiến lược”, bởi một mặt nó đã thổi luồng sinh khí mới tới môi trường kinh doanh toàn cầu trong suốt mấy thế kỷ qua, mặt khác nó cũng chính là một trong những tác nhân dẫn tới cơn hoảng loạn trong mấy tuần vừa rồi.

Đơn cử, trong thập niên 60, các cuộc cách mạng về mặt chiến lược đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về các khoản vay nợ. “Nền móng ban đầu của chiến lược này được phát triển bởi Bruce Henderson – thành viên sáng lập nhóm tư vấn Boston (Boston Consulting Group) vào năm 1963. Bruce nêu quan điểm “hoặc bạn sử dụng nhiều công cụ đòn bẩy hơn đối phương hoặc phá sản”.

Theo lời Kiechel, quan điểm trên mang tính đột phá ở chỗ nó ra đời vào những thập niên 50 – 60, khi mà các công ty chưa quen với việc phải dùng tới các khoản vay để duy trì hoạt động kinh doanh. Chính vì thế, mới có chuyện, khi cuộc đại khủng hoảng 1937 ập đến, tình trạng nợ nần đã khiến nhiều công ty phải lo sốt vó.

Trong nhiều năm sau đó, khi các công ty đã không còn rụt rè với việc vay chỗ nọ chỗ kia và nhận thấy rằng nhờ sử dụng công cụ đòn bẩy này, họ đã giàu lên trông thấy thì đôi khi, họ lại lạm dụng tới mức quà đà – đó chính là cú va vấp khiến nhiều đại gia tài chính như Bear Stearns, Merrill Lynch hay Lehman Brothers bỗng chốc tan thành mây khói.

Kiechel đã công bố một kết quả đáng giật mình: một số ngân hàng đầu tư[1] của Mỹ có khoản nợ gấp tới hơn 35 lần giá trị tài sản thực. Kiechel cho rằng điều này đáng lẽ không bao giờ được xảy ra, trừ khi người ta phải định nghĩa lại thế nào mới được gọi là đang ở trong tình trạng nợ nần?

Ấy vậy mà bất chấp tất cả, điều này vẫn xảy ra. Chỉ thông qua việc tìm hiểu trước thập niên 60 người ta nhìn nhận ra sao về việc phải vay nợ khi làm kinh doanh, chúng ta mới mường tượng ra sức mạnh và ma lực của công cụ đòn bẩy này.

Khi đề cập tới sức mạnh và ma lực, Kiechel phát hiện ra công cụ thứ hai trong cuộc cách mạng về mặt chiến lược cũng góp gió vào cơn bão tài chính hôm nay: đó là lý thuyết về lợi thế cạnh tranh.

Tại thời điểm đó, những người tiên phong về mặt chiến lược đã biết đặt công ty của họ trong mối tương quan với các công ty khác cùng lĩnh vực để xác định được đâu là lợi thế cạnh tranh họ có được. Và dần dần, khi nhận ra lợi thế cạnh tranh đó không còn là hàng độc và mình không còn nắm thế thượng phong nữa, họ hiểu đây chính là thời điểm nên chuyển sang một lĩnh vực khác – lĩnh vực đem lại cho họ lợi thế cạnh tranh mới.

Trong suốt một thời gian dài, lý thuyết này thôi thúc giới kinh doanh phải đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển cũng như phòng ngừa rủi ro. Nhưng đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh là một con dao hai lưỡi.

Một mặt, lý thuyết về lợi thế cạnh tranh và nỗ lực tìm kiếm nó đã tạo ra vô số của cải cho giới kinh doanh trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Mặt khác, nó cũng là tác nhân dẫn đến cơn hoảng loạn trong ngành tài chính hiện giờ.

Lợi thế cạnh tranh không phải là cố hữu

Cũng bởi nhận ra điều này nên người làm kinh doanh đã không ngừng tìm tòi cái mới, nếu không muốn nói là thử rất nhiều cái mới và thay đổi nhanh đến chóng mặt. Nhìn chung, bản chất này của lợi thế cạnh tranh tích cực ở chỗ nó là động lực của sự phát triển, nó giúp chúng ta không ngủ quên trên chiến thắng. Thế nhưng, cái gì cũng có giá của nó; lợi càng lớn thì rủi ro cũng càng nhiều.

Chẳng nói đâu xa, các ngân hàng đầu tư là một ví dụ sinh động. Về bản chất, các ngân hàng đầu tư chỉ đóng vài trò tư vấn tài chính, giúp dàn xếp các thương vụ sáp nhập và mua lại, và phải sử dụng nguồn tài chính của chính họ trên một số hạng mục kinh doanh.

Thế nhưng, khi nhận ra rằng, lợi nhuận từ lĩnh vực kinh doanh khởi thuỷ này không đáng là bao và họ có thể có nắm giữ được lợi thế cạnh tranh nhất định nếu tham gia vào các lĩnh vực khác, họ đã quyết định dấn thân vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác và trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành.

Từ lĩnh vực tư vấn tài chính ban đầu, họ dùng nguồn vốn không hoàn toàn của chính mình để đầu tư vào bất động sản, các hạng mục tráo đổi các khoản tín dụng quá hạn cùng hàng loạt các lĩnh vực đầu tư khác.

Suy nghĩ luôn phải tạo ra lợi thế cạnh tranh nhằm nắm thế thượng phong đã hối thúc những ngân hàng này lao vào các thương vụ ngày một mạo hiểm. Trong cơn mê hiếu thắng, chỉ với mục đích bỏ xa đối thủ, họ không còn là những nhà đầu tư tiên phong như họ vẫn vỗ ngực mà chỉ là những con thiêu thân - đua nhau, chen lấn, xô đẩy lao về phía bóng đèn - theo đuổi những điều mơ hồ. Và rồi khi bị sức nóng của ánh đèn thiêu đốt, họ mới biết mình đã nhọc công vô ích.

Giả dụ cùng với một số yếu tố khác, quan điểm mang tính đột phá về việc vay nợ và lợi thế cạnh tranh được coi là những thành tố cơ bản của môi trường kinh doanh hiện đại, vậy thì chúng ta không thể làm ngơ trước một câu hỏi đó là “liệu những thành tố đó thực chất có đủ vững chãi để được coi là nền tảng của nền kinh tế của chúng ta hay không?”

Trả lời cho câu hỏi này, Kiechel nói rằng “về bản chất, những nền tảng cơ bản này đủ mạnh. Chỉ có điều trong quá trình áp dụng, giới kinh doanh đã khiến chúng không còn giữ được tính tích cực như ban đầu.”

Cho dù những thành tố mang tính cách mạng về mặt chiến lược của thập niên 60 là lý thuyết về việc vay nợ khi kinh doanh và lợi thế cạnh tranh đã bộc lộ quá nhiều nhược điểm, nhưng chúng ta không thể coi đó là cuộc khủng hoảng toàn diện về mặt chiến lược. Dù thế nào đi chăng nữa, thất bại gần đây của các đại gia tài chính cũng chỉ là những còn sâu làm rầu nồi canh mà thôi. Chính vì vậy, cuộc khủng hoảng lần này không khác biệt các cuộc khủng hoảng lần trước là mấy.

Kiechel có nhắc tới sự trùng lặp về mặt tâm lý mà giới kinh doanh trong cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra với những gì họ đã trải qua trong các cơn địa chấn trước kia. Chúng ta chắc hẳn còn nhớ hội chứng quay lưng hoàn toàn với nền kinh tế nông nghiệp hay với nền kinh tế công nghiệp trong những năm 1800 và 1900 tại Mỹ.

Trong cuộc khủng hoảng ngày nay cũng vậy, khi đang gặp khốn đốn với lĩnh vực tài chính, họ lại đua nhau tìm tòi những lĩnh vực mới mẻ như năng lượng tái sinh hay công nghệ sinh học. Đương nhiên, họ cũng chẳng thể tránh khỏi việc phải chấp nhận rủi ro, thót tim với các khoản nợ, và tiếp tục cuộc hành trình theo đuổi lợi thế cạnh tranh mới.

Kiechel ngao ngán mà rằng, cơn say của lòng nhiệt tình, sự hăng hái, đầu cơ thái quá cùng tâm lý bầy đàn rồi sẽ lan ra nhiều lĩnh vực khác nữa và sẽ chẳng khi nào có điểm dừng.

- Bài viết của Sarah Green trên chuyên mục Conversation Stater, tạp chí Harvard Business Online



[1] Ngân hàng đầu tư - investment bank: đóng vai trò như một trung gian tài chính để thực hiện hàng loạt các dịch vụ liên quan tới tài chính như bảo lãnh: làm trung gian giữa các tổ chức phát hành chứng khoán và nhà đầu tư, tư vấn giúp dàn xếp các thương vụ mua lại và sáp nhập cùng các hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp khác và môi giới cho khách hàng là các tổ chức (định nghĩa của Investopidia). Cần nhấn mạnh rằng, đối tượng khách hàng chính của ngân hàng đầu tư là các tổ chức, công ty và chính phủ không phải là khách hàng cá nhân.

Nguồn: Vietnamnet