VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Các nền kinh tế mới nổi trong “bão” tài chính

06/08/2010 - 190 Lượt xem

Đầu tiên là Hàn Quốc phải công bố một kế hoạch giải cứu trị giá 130 tỷ USD dành cho các ngân hàng và công ty của nước này. Tiếp đó, Ukraine hủy bỏ kế hoạch bầu cử do phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tầm quốc gia vì thị trường tín dụng đóng băng và đồng tiền mất giá mạnh. Rồi đến việc hàng loạt quốc gia như Ukraine, Pakistan, Belarus, Serbia, Iceland và Thổ Nhĩ Kỳ “gõ cửa” Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xin vay tiền.

Trước đó, các hãng xếp hạng tín nhiệm lớn như Fitch và Moody’s đã đánh tụt xếp hạng tín nhiệm và triển vọng xếp hạng của những nền kinh tế thuộc hàng “sao” như Ấn Độ, Hungary, Argentina...

“Khủng hoảng toàn diện”

Điều gì đã xảy ra? Mới chỉ cách đây ít tháng, các nền kinh tế đang nổi lên vẫn được coi là những “ốc đảo” của sự ổn định giữa lúc thế giới phương Tây phải đương đầu với khủng hoảng tài chính. Một số người còn cho rằng, các nền kinh tế đang nổi lên sẽ là “cứu cánh” cho kinh tế thế giới khỏi nguy cơ suy thoái.

Lý do của sự tin tưởng này là sau một loạt những biến cố kinh tế ở thập niên 1990, chính phủ ở các nền kinh tế đang nổi lên đã cải thiện mạnh mẽ bảng cân đối kế toán quốc gia của mình, trả hết nợ cho IMF và tích lũy được những khoản dự trữ ngoại hối lớn.

Tuy nhiên, vào lúc này, không ít các đồng tiền của các nền kinh tế đang nổi lên đang mất giá mạnh.

Từ đầu năm tới nay, đồng Won của Hàn Quốc đã mất giá hơn 30% so với USD. Tại Nam Phi, đồng Rand của nước này từ đầu năm tới nay đã mất giá 40% so với USD. Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng mất giá hơn 30% so với USD. Tuần trước, đồng Hryvnia của Ukraine đã mất giá 13% so với USD, giảm xuống mức tỷ giá thấp nhất kể từ khi đồng tiền này ra đời vào năm 1996.

Các dòng vốn chảy vào các nền kinh tế này cũng đang cạn dần, buộc các ngân hàng trung ương từ Á tới Mỹ Latin phải rút dần dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ đồng nội tệ cũng như hỗ trợ các ngân hàng trong nước và các công ty xuất khẩu khát vốn.

Mức phí rủi ro (risk premium) đối với trái phiếu chính phủ của các thị trường đang nổi lên đã tăng gấp đôi trong thời gian từ tháng 8 tới nay. Một số quốc gia như Iceland và Pakistan thậm chí đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Từ đầu năm tới nay, các thị trường chứng khoán cũng liên tục chứng kiến các hàn thử biểu của mình ngập trong sắc đỏ.  Từ đầu tháng 5 tới nay, các thị trường chứng khoán đang nổi lên của thế giới đã mất 60% giá trị, trong đó, riêng tháng 10, các thị trường này sụt giảm 38%.

Trong số các thị trường chứng khoán mới nổi của thế giới có mức sụt giảm mạnh nhất, phải kể tới thị trường Nga với mức sụt giảm từ đầu năm tới nay là 75%, thị trường Brazil sụt 47%, thị trường Ấn Độ mất 57% và thị trường Trung Quốc mất 65%.

David Roche, Chủ tịch công ty tư vấn đầutư Independent Strategy ở London nhận xét: “Chúng ta sắp sửa chứng kiến một cuộc khủng hoảng toàn diện ở các thị trường đang nổi lên”.

Những thách thức từ vay nợ

Tới lúc này, nhiều người mới vỡ lẽ ra rằng, một số “nguồn nhựa sống” cho thành công của các nền kinh tế mới nổi cũng kém bền vững như lĩnh vực cho vay dưới chuẩn ở Mỹ. Chẳng hạn, phần lớn sự tăng trưởng của các nền kinh tế này đã phụ thuộc quá nhiều vào các dòng vốn và tín dụng bên ngoài, và các dòng vốn này thì lại đang cạn dần.

Năm 2007, dòng tiền này đạt tỷ lệ kỷ lục là tương đương 6% GDP của các nền kinh tế đang nổi lên, vượt quá tỷ lệ ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 1997.

Kinh tế gia trưởng về vấn đề tiền tệ của Morgan Stanley, ông Stephen Jen, ước tinh rằng dòng tiền này sẽ co lại một nửa vào năm 2009, từ mức 750 tỷ USD xuống còn khoảng 350 tỷ USD. Do đó, theo ông Jen, các nền kinh tế này sẽ rất “đói” vốn và các đồng nội tệ của họ sẽ chịu áp lực mất giá mạnh.

Ngoài những quốc gia có thặng dư thương mại lớn như Trung Quốc và các nước xuất khẩu dầu lửa lớn, đang ngày càng có nhiều nước rơi vào trạng thái thâm hụt thương mại và thâm hụt cán cân vốn ở mức cao.

Trong vòng vài năm trở lại đây, các ngân hàng ở Hàn Quốc, các công ty ở Brazil và người sở hữu nhà ở Hungary đã vay những khoản vay bằng đồng USD hoặc Euro với lãi suất thấp. Khi đó, họ tin tưởng rằng tình hình kinh tế rồi sẽ không thay đổi, và đồng nội tệ của họ sẽ lên giá, giúp họ dễ dàng trả lại những khoản nợ này. Đất nước nhỏ bé Iceland đã vay những khoản vay kiểu này với tổng số tiền lên tới mức tương ứng 6 lần GDP.

Những rắc rối này chắc chắn sẽ không chỉ dừng bên trong ranh giới quốc gia.  Các ngân hàng ở châu Âu đã cho vay đặc biệt nhiều đối với các “con nợ” ở Hungary và Ukraine, mà tới thời điểm trả nợ hiện nay, đồng nội tệ của các quốc gia này đang mất giá rất mạnh.

Số khoản vay mà các ngân hàng của Áo dành cho các nước Đông Âu tương đương tới 56% GDP của Áo. Các ngân hàng Thụy Điển cũng cho các quốc gia vùng Baltic vay tổng số tiền tương đương 18% GDP của nước này.

Do đó, khi Hungary phải đương đầu với tình trạng đóng băng tín dụng cách đây hơn 1 tuần, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện một động thái chưa từng có là cung cấp một hạn mức tín dụng khẩn cấp trị giá 5 tỷ Euro cho Hungary, mặc dù nước này không sử dụng đồng Euro. Động thái này của ECB là nhằm bảo vệ các ngân hàng của Eurozone trước nguy cơ vỡ nợ của các ngân hàng ở Hungary.

Với tư cách là “cứu cánh” cuối cùng, IMF đã khởi động một chương trình cho vay trị giá 200 tỷ USD cho các nền kinh tế đang nổi lên. Tuy nhiên, quyền lực tài chính có vẻ như đang dịch chuyển. Cách đây không lâu, Trung Quốc đã cho vay khẩn cấp đối với Pakistan, Iceland cũng đã đàm phán xin vay tiền của Nga trước khi có sự can thiệp của IMF.

Giới quan sát cho rằng, những khó khăn lớn hơn sẽ đến với các nền kinh tế đang phát triển vào năm tới, khi mà doanh nghiệp ở các nền kinh tế này phải quay vòng số nợ lên tới 360 tỷ USD. Đây thực sự là một thách thức quá lớn xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay.

Nguồn: Newsweek, CNBC, Bloomberg