VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Hội nhập kinh tế quốc tế

VIỆT NAM: Quá nóng, quá lạnh hay vừa phải?

06/08/2010 - 234 Lượt xem

Tan Siew Meng

The Business Times, 22/7/2008.

Trong vài năm qua, quá trình chuyển đổi của Việt Nam đã trở thành một câu chuyện điển hình của kinh tế thế giới. Nếu nhìn vào tốc độ thay đổi đến nghẹt thở tại Việt Nam, không mấy người phải băn khoăn khi rất nhiều công ty quốc tế đã đứng vào hàng ngũ ủng hộ Việt Nam.

Chỉ riêng trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã trải qua những thay đổi kinh tế đáng kinh ngạc. Rất nhiều quy định mới và luật thuế đã được ban hành, hệ thống pháp lý cũng được sửa đổi. Bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và những cải cách thị trường vốn đã được thực thi. Thêm vào đó, việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006 cũng khiến cánh cửa thị trường càng mở rộng.

Nói tóm lại, Việt Nam đầy kiêu hãnh với một nền kinh tế liên tục tăng trưởng và một lực lượng lao động trẻ, học thức cao, chăm chỉ, có chi phí cạnh tranh.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đã nói “Việt Nam là một trong những nước đạt được kết quả cải thiện điều kiện sống nhanh nhất trên thế giới, nghèo đói giảm đáng kể. Việt Nam đang trên đường tiến tới một quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010”.

Nhưng toàn bộ câu chuyện không hẳn chỉ màu hồng. Con hổ trẻ nhất châu Á này đang gánh chịu những đau đớn của tăng trưởng – lạm phát gia tăng với tốc độ đáng báo động và chi phí nhà ở tại những trung tâm kinh tế chủ chốt như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng vùn vụt. Đồng thời, chứng khoán tăng tới đỉnh kém bền vững trước khi điều chỉnh với giao động lớn.

Những dấu hiệu mâu thuẫn vừa nêu nói lên điều gì? Liệu các công ty của Singapore có nên tiếp tục để mắt đến Việt Nam? Nền kinh tế này có tiếp tục tăng trưởng nóng? Liệu những điều chỉnh và nỗ lực chống lạm phát mới đây có phát huy hiệu quả? Các công ty có nên đầu tư vào lúc này, hay chờ xem tình hình vài tháng tới sẽ ra sao? Đáp án cho những câu hỏi này rất đơn giản – hãy bình tĩnh, theo sát chiến lược dài hạn và học cách tìm hiểu rõ sự thể. Triển vọng cho các nhà đầu tư tại Việt nam nhìn chung là tích cực, và trong mười năm tới nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh lên gấp đôi. Nhưng để nắm bắt được các cơ hội của Việt Nam, các nhà đầu tư cần trụ lại thị trường trong dài hạn và vượt qua những trở ngại như giá thuê nhà tăng vọt và lạm phát cũng leo thang đến chóng mặt.

Lời khuyên này đã được HSBC đưa ra cho nhóm giám đốc Singapore nói trên. Hơn nữa, đây cũng là lời khuyên của những tên tuổi quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Phái đoàn Singapore đã trực tiếp nghe tư vấn của một hội đồng gồm các chuyên gia như KPMG về các vấn đề thuế, CB Richard Ellis (CBRE) về bất động sản, và JSM về hệ thống pháp lý. Các chuyên gia tài chính và kinh doanh của HSBC cũng chịu trách nhiệm giải mã về hệ thống ngân hàng và tài chính. Họ đi đến kết luận là triển vọng tương lai của Việt nam sẽ vượt xa những vấn đề “khởi đầu nan” hiện nay. Năm 2007 lạm phát là một vấn đề lớn, và lạm phát tháng 2 năm 2008 so với cùng kỳ năm trước đã tăng tới mức ngoài khả năng kiểm soát là 15,7%. Chính phủ Việt Nam biết rõ lạm phát là vấn đề nghiêm trọng và đã coi nhiệm vụ kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu.

Trong lĩnh vực bất động sản, lạm phát phát cũng kéo giá cho thuê và giá bán bất động sản cao hơn. Hiện nay, tỷ lệ không gian còn trống là rất thấp và người ta vẫn phải xếp hàng dài để có được văn phòng, chỗ ở, hay không gian bán hàng tốt. CBRE dự báo người mua có thể phải trả giá ngất ngưởng từ 75 – 85 USD cho một m2 không gian văn phòng hạng A. Trong lĩnh vực bán lẻ, 100% các CBD của tp HCM đều đã được sở hữu, và vẫn còn một danh sách xếp hàng chờ.

Nhưng lạc quan là, hiện có hàng trăm các cao ốc văn phòng nhỏ đang được xây dựng trên khắp Việt Nam. Dự tính đến năm 2010, thị trường tại tp HCM sẽ có thêm 916,000 m2 không gian văn phòng, điều này có thể giúp làm tan băng hiện nay. Không gian bán lẻ cũng đang được xây dựng.

Đồng thời, những người phản đối sẽ bị thuyết phục nếu nhìn vào các số liệu kinh tế. Việt Nam có dân số không ngừng tăng với 85 triệu người, một tỷ lệ kinh ngạc là 75% trong đó ở độ tuổi dưới 35. Họ hình thành một nền tảng tiêu dùng và thị trường tiềm năng cho các loại hàng hóa và dịch vụ mà những công ty Singapore cung cấp. Rõ ràng, nền tảng tiêu dùng này mong muốn có được cuộc sống “đủ đầy” như của thanh niên ở những nước phát triển. Thêm nữa, tỷ lệ biết chữ khá cao (93%) và dự tính chi phí lao động, 90 USD/ tháng, thấp hơn 30% so với Trung Quốc.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 8,44% trong năm 2007, vẫn thấp hơn Trung Quốc (11,8%) nhưng cao hơn 7,5% của Singapore và vượt trội so với 2,2% của Mỹ. Xuất khẩu tăng trưởng 21% đạt 48,4 tỷ USD, nhưng tốc độ tăng nhập khẩu lại cao hơn: 31% đạt 60,1 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài năm 2007 tăng gấp đôi - 20,3 tỷ USD, đưa tổng số đầu tư nước ngoài đạt 80 tỷ đô, với 8.500 dự án đang được triển khai từ 86 nước khác nhau. Singapore tự hào là nước có FDI lớn thứ 2 vào Việt Nam, 9,87 tỷ USD.

Vô số các ngành công nghiệp tại Singapore có thể tận dụng sức tăng trưởng này. Chi tiêu dùng tăng đã bắt đầu kích thị trường bán lẻ bùng nổ với hàng loạt sản phẩm từ sữa và hàng hóa dinh dưỡng cho đến dược phẩm. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm đều có tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số.

Ngành chế tạo, đặc biệt là quần áo và dệt, là chỗ dựa chính của nền kinh tế Việt Nam. Và Chính phủ đang tích cực nỗ lực thu hút vào công nghiệp nặng. Trong khi đó, giáo dục, bất động sản, viễn thông, và công nghệ thông tin đều có triển vọng rất sáng sủa.

Như vậy, dù bùng nổ kinh tế có gây ra lạm phát cao, giá thuê bất động sản tăng vọt, thiếu hụt lao động, và cơ sở hạ tầng kinh tế quá tải, thì Việt Nam vẫn có đủ lợi thế để trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với các công ty Singapore đang tìm kiếm thị trường mới. Bất kỳ ai đã tới khu mua sắm ở tp HCM trong vài năm qua đều không thể phủ nhận sự sôi động ở đấy.

Việt Nam là một nơi đầy thú vị, dù với khách lữ hành hay nhà đầu tư – và sự hối hả đó vẫn sẽ tiếp diễn. Nhiều công ty Singapore đã mở đường. Việt Nam cũng đã mở cửa đón các tổ chức quốc tế đầu tư vào nền kinh tế này, và các công ty Singapore hoàn toàn sẽ đón nhận lời mời này.


Nguồn: VNEP, tháng 07/2008.