VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Đâu là chân tướng của đầu tư trực tiếp từ nước ngoài?

06/08/2010 - 234 Lượt xem

Đầu tư nước ngoài không phải là một trong ba trụ cột của Đồng thuận Washington nhưng lại là một bộ phận chủ yếu của quá trình toàn cầu hóa mới. Theo Đồng thuận Washington, tăng trưởng xảy ra thông qua tự do hóa và “giải phóng” các thị trường.

Tư nhân hóa, tự do hóa và sự ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, bao gồm cả đầu tư nước ngoài. Đầu tư sẽ tạo ra tăng trưởng. Các doanh nghiệp nước ngoài đem đến kiến thức công nghệ và khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Các doanh nghiệp nước ngoài còn tiếp cận được các nguồn tài chính, đặc biệt quan trọng ở những nước đang phát triển, nơi thể chế tài chính trong nước còn yếu kém. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong nhiều – nhưng không phải tất cả – câu chuyện phát triển kinh tế thành công nhất ở những nước như Singapore, Malaysia và thậm chí cả Trung Quốc.

Những mặt trái của đầu tư trực tiếp từ nước ngoài

Nói như thế nhưng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng có những mặt trái. Các tập đoàn nước ngoài tràn vào thường đè bẹp các đối thủ cạnh tranh trong nước, bóp chết tham vọng của những doanh nhân nhỏ hy vọng phát triển nền công nghiệp bản địa.

Có vô số thí dụ về chuyện này. Các nhà sản xuất đồ uống nhẹ khắp thế giới đã bị sự xâm nhập của Coca-Cola và Pepsi chèn ép trên chính quê hương họ. Các nhà sản xuất kem địa phương cũng thấy rằng họ không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm kem của Unilever.

Một cách để nghĩ về vấn đề này là hồi tưởng lại những tranh cãi ở nước Mỹ về các hệ thống chuỗi cửa hàng thuốc và cửa hàng 24giờ. Khi Wal Mart xâm nhập một cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp địa phương luôn phản đối mãnh liệt, lo ngại (một cách có lý) rằng họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Những cửa hàng địa phương sợ họ không đủ khả năng cạnh tranh với Wal Mart bởi sức mua khổng lồ của nó. Những người dân sống trong thành phố nhỏ thì lo ngại điều gì sẽ xảy ra với bản sắc của cộng đồng nếu tất cả các cửa hàng địa phương phải đóng cửa.

Những lo lắng tương tự ở những nước đang phát triển còn mạnh hơn gấp nghìn lần. Mặc dù những lo ngại này là chính đáng, người ta cần phải hiểu là: lý do để Wal Mart thành công chính là ở chỗ nó cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng với giá cả thấp hơn. Việc cung cấp hiệu quả hàng hóa và dịch vụ đến cho dân nghèo ở những nước đang phát triển có ý nghĩa quan trọng nếu biết rằng nhiều người trong số họ sống ở ngưỡng nghèo khổ.

Nhưng những nhà phê bình cũng đưa ra vô số lập luận. Nếu chưa có luật cạnh tranh hoặc có nhưng không được thực thi hiệu quả thì sau khi các hãng nước ngoài đánh bật sự cạnh tranh của các doanh nghiệp sở tại, chúng sẽ sử dụng sức mạnh độc quyền để tăng giá. Những lợi ích của giá hàng hóa rẻ sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Mở cửa đúng lúc để đối phó với cạnh tranh

Một phần cốt lõi của vấn đề chính là nhịp độ mở cửa. Các doanh nghiệp địa phương phàn nàn rằng nếu họ có đủ thời gian thích nghi và đối phó với cạnh tranh, họ có thể sản xuất hàng hóa hiệu quả hơn, rằng việc bảo vệ các doanh nghiệp địa phương là quan trọng nhằm củng cố sức mạnh cộng đồng, cả về kinh tế lẫn xã hội.

Tất nhiên, vấn đề là những biện pháp bảo hộ tạm thời chống lại cạnh tranh của nước ngoài thường lại biến thành sự bảo hộ lâu dài.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã không chú ý đến việc cải thiện điều kiện làm việc của công nhân ở các nước đang phát triển. Họ chậm hiểu ra những bài học mà họ đã học cũng rất chậm ở chính quê nhà. Cung cấp điều kiện làm việc tốt hơn thực tế có thể nâng cao năng suất lao động và giảm tổng chi phí hay ít nhất cũng không nâng chi phí lên nhiều.

Ngân hàng là một lĩnh vực khác mà các tập đoàn nước ngoài thường chèn ép các ngân hàng nội địa. Những ngân hàng lớn của Mỹ thường cung cấp bảo hiểm cao hơn cho người gửi tiền so với các ngân hàng nhỏ địa phương (trừ khi là chính quyền địa phương cung cấp bảo hiểm tiền gửi). Chính quyền Mỹ đã và đang thúc ép các nước đang phát triển mở cửa các thị trường tài chính.

Những lợi ích của việc này là rõ ràng: cạnh tranh mạnh mẽ hơn sẽ dẫn đến dịch vụ tốt hơn. Sức mạnh tài chính của các ngân hàng nước ngoài sẽ tăng cường sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, mối đe dọa của các ngân hàng nước ngoài với ngành ngân hàng trong nước là rất thực tế. Thật sự thì cũng đã có một cuộc tranh luận rộng khắp ở Mỹ cũng về chủ đề này.

Việc mở rộng hoạt động của các ngân hàng ra toàn quốc bị ngăn trở (cho đến thời kỳ của chính quyền Clinton, dưới sức ép của phố Wall, khu vực vốn có truyền thống ảnh hưởng đến đảng Dân chủ) với lo ngại rằng, tiền sẽ chảy về các trung tâm tài chính lớn như New York làm cạn kiệt các nguồn tài chính ở những khu vực xa xôi rất cần vốn.

Trường hợp của Argentina thể hiện rõ nguy cơ này. Trước khi sụp đổ vào năm 2001, ngành ngân hàng của Argentina đã bị các ngân hàng nước ngoài chi phối. Trong khi các ngân hàng dễ dàng cho những tập đoàn đa quốc gia hay thậm chí các doanh nghiệp lớn trong nước vay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phàn nàn rằng họ rất khó tiếp cận đến vốn. Kinh nghiệm ngân hàng quốc tế và sự hiểu biết thông tin khiến các ngân hàng này thích cho các khách hàng truyền thống vay.

Cuối cùng, có thể họ cũng mở rộng hoạt động cho vay đến những khu vực khác hoặc các tổ chức tài chính mới sẽ ra đời lấp vào khoảng trống này. Và tăng trưởng kém, trong đó có sự đóng góp của thiếu thốn tài chính, là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của đất nước này. Ở Argentina, vấn đề này được thừa nhận rộng rãi. Chính phủ đã làm một số việc để lấp đầy khoảng trống tín dụng. Nhưng việc chính phủ cho vay không thể bù đắp sự thất bại của thị trường.

Kinh nghiệm của Argentina đã minh họa một số bài học cơ bản. IMF và Ngân hàng Thế giới luôn luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự ổn định hệ thống ngân hàng. Thật dễ dàng để tạo ra những ngân hàng khỏe mạnh không mất tiền vì nợ xấu, đơn giản là bằng cách yêu cầu họ đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhưng thách thức là ở chỗ, không chỉ tạo ra các ngân hàng khỏe mạnh mà là cần tạo ra các ngân hàng khỏe mạnh cung cấp tín dụng cho tăng trưởng.

Argentina đã cho thấy, thất bại khi làm việc đó có thể dẫn tới mất ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi vì kinh tế tăng trưởng kém dẫn đến thâm hụt ngân sách gia tăng và khi IMF yêu cầu phải giảm bội chi và tăng thuế, vòng xoáy luẩn quẩn của suy thoái kinh tế và mất ổn định xã hội bắt đầu khởi động.

Bolivia là một ví dụ khác, nơi các ngân hàng nước ngoài chỉ mang đến sự mất ổn định. Vào năm 2001, một ngân hàng nước ngoài lớn hoạt động ở Bolivia đột ngột quyết định, do lo ngại rủi ro toàn cầu gia tăng, rút lại các khoản cho vay. Sự thay đổi đột ngột trong nguồn cung tín dụng đã kéo nền kinh tế này chìm sâu vào suy thoái, mạnh hơn nhiều những tác động do sự giảm giá hàng nông sản và sự trì trệ của kinh tế toàn cầu đem lại.

Những lo ngại từ lĩnh vực ngân hàng

Cũng có những lo ngại nữa về sự xâm nhập của các ngân hàng nước ngoài. Các ngân hàng trong nước thường nhạy cảm hơn với cái thường được gọi là “cửa sổ chiết khấu”, một hình thức tác động tinh vi của ngân hàng trung ương, chẳng hạn, mở rộng tín dụng khi nền kinh tế cần sự kích thích hay thu hẹp khi có những dấu hiệu nền kinh tế quá nóng. Các ngân hàng nước ngoài ít bị tác động bởi những công cụ như vậy hơn nhiều.

Tương tự, các ngân hàng trong nước cũng thường phải chịu áp lực lấp những khoảng trống trong hệ thống tín dụng: những khu vực không được phục vụ hoặc không được phục vụ đầy đủ, chẳng hạn những nhóm thiểu số hoặc những vùng kinh tế không thuận lợi.

Ở Mỹ, một trong những thị trường tín dụng phát triển nhất, việc lấp những khoảng trống này quan trọng đến nỗi Luật tái đầu tư cộng đồng (Community Reinvestment Act - CRA) đã được thông qua năm 1977, bắt buộc các ngân hàng phải cho vay những khu vực mà việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn khó khăn. Luật CRA này là biện pháp rất quan trọng, dù còn có tranh cãi, để đạt được những mục tiêu xã hội.

Tài chính, tuy vậy, không phải là lĩnh vực duy nhất mà đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác dụng hai mặt. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư mới thuyết phục (thường là kèm hối lộ) chính phủ cho họ những đặc quyền, chẳng hạn như thuế quan bảo hộ. Các chính phủ Mỹ, Pháp hay những nước công nghiệp tiên tiến khác trong nhiều trường hợp cũng can thiệp –củng cố quan điểm nơi các nước đang phát triển cho là hoàn toàn thích đáng trong việc chính phủ can thiệp vào và nhận tiền từ khu vực tư nhân.

Ở một số trường hợp khác, vai trò của chính phủ có vẻ tương đối mờ nhạt (dù không nhất thiết là không có tham nhũng). Khi Bộ trưởng thương mại Mỹ Ron Brown chu du nước ngoài, ông ta được những doanh nhân Mỹ đang cố gắng thâm nhập vào thị trường nước ngoài tháp tùng.

Đoán chừng, cơ hội kiếm được một ghế trong những chuyến bay như vậy sẽ tăng lên đáng kể với những doanh nhân có đóng góp quan trọng trong chiến dịch bầu cử.

Trong những trường hợp khác, một chính phủ có thể can thiệp làm đối trọng với một chính phủ khác. Ở Bờ Biển Ngà, trong khi chính phủ Pháp ủng hộ cố gắng của France Telecom đánh bật sự cạnh tranh của một công ty điện thoại độc lập Mỹ thì chính phủ Mỹ ngược lại, ủng hộ cho công ty điện thoại của Mỹ. Nhiều khi, các chính phủ này đi quá cả giới hạn hợp lý.

Ở Argentina, chính phủ Pháp gây áp lực đòi thay đổi hợp đồng của một công ty cấp nước (Aguas Argentinas) sau khi công ty mẹ ở Pháp (Suez Lyonnaise), công ty đã ký hợp đồng, nhận ra rằng nó không kiếm được nhiều lợi nhuận như đã kỳ vọng.
Nguồn: Vietnamnet