VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Kinh tế Trung Quốc và những khó khăn mới

06/08/2010 - 228 Lượt xem

Ngày 18/3, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã khẳng định như vậy khi ông chủ trì một cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh sau khi kết thúc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 11.

Lo ngại lạm phát gia tăng

Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhận định, năm nay có thể là năm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc, do tỷ lệ lạm phát cao trong nước và do ảnh hưởng của kinh tế thế giới suy giảm bắt nguồn từ sự ảm đạm của kinh tế Mỹ.

Trung Quốc, nền kinh tế đầu tàu của châu Á đang đối mặt với khó khăn, khi tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức 8,7% trong tháng 2 vừa qua, mức cao nhất trong 12 năm gần đây. Lạm phát cao đang trở thành mối lo ngại đặc biệt của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Đáng lo ngại là giá cả tăng cao không chỉ ở nhóm hàng thực phẩm, mà đang có xu hướng lan sang những lĩnh vực khác. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, chi phí sản xuất tại các nhà máy của nước này tháng 2/08 tăng 6,6%, mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo nêu rõ, tình hình giá cả tăng nhanh làm cho đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhất là những người có thu nhập thấp. Làm thế nào để khống chế giá cả leo thang quá nhanh, khống chế lạm phát, không chỉ là vấn đề quan tâm của nhân dân mà còn là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khẳng định, Chính phủ Trung Quốc sẽ giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 11,4% năm ngoái xuống khoảng 8% năm nay và thực hiện các biện pháp về giá và tín dụng để kìm chế lạm phát ở 4,8%. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng mục tiêu giảm lạm phát có thể khó thực hiện bởi giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác tăng vọt từ đầu năm.

Ông Ôn Gia Bảo đã bày tỏ lo ngại về sự suy yếu của đồng USD cũng như sự xuống dốc của kinh tế Mỹ và cho rằng cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp ở Mỹ không chỉ làm giảm giá đồng USD, mà còn dẫn tới việc phải cắt giảm lãi suất, đè nặng lên thị trường vốn khắp thế giới, trong khi giá dầu mỏ không ngừng “lên cơn sốt”.

Khai thác tiềm năng thị trường trong nước

Trước tình hình này, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì chính sách thuế thận trọng tùy theo tình hình kinh tế trong nước.

Xuất phát từ dòng đầu tư ồ ạt, nguồn cung tiền mặt tăng quá nhanh, thặng dư thương mại cũng tăng mạnh đã buộc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thắt chặt tiền tệ.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết chỉ trong 2 năm qua, giá trị đồng Nhân dân tệ đã tăng 15% so với USD, đặc biệt tăng tốc trong những tháng gần đây. Năm 2007, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 11,4% và giới chức nước này đã lần đầu tiên đề cập công khai đến việc nước này sẽ thay đổi phương hướng chính sách, từ ổn định tiền tệ sang hạ nhiệt nền kinh tế.

Mặc dù kinh tế Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn, nhưng Thủ tướng Ôn Gia Bảo vẫn tin tưởng ở sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Theo ông, thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng, nhất là thị trường nông thôn, đây là ưu thế của nền kinh tế Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc quyết tâm thực hiện cải cách cơ chế tài chính, để “tiền của nhân dân sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho chính họ”.

Chính phủ sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đặc biệt là tăng đầu tư cho nông nghiệp, làm cho sản xuất lương thực và nông sản phẩm chủ yếu giữ được tăng trưởng ổn định, thu nhập của nông dân được nâng cao. Tiếp tục thi hành chính sách việc làm tích cực, giải quyết vấn đề 50 triệu việc làm.

5 năm tới là thời kỳ then chốt Trung Quốc thực hiện xây dựng xã hội khá giả toàn diện, vì vậy phải làm cho kinh tế phát triển ngày càng mạnh, đời sống nhân dân được nâng cao, tiến bộ xã hội ngày càng được thúc đẩy, tích cực đẩy mạnh cải cách mở cửa và tiếp tục mở rộng phạm vi hợp tác thương mại với Đài Loan...
Nguồn: TBKT Việt Nam