VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

2007: Kinh tế châu Á tăng trưởng 8,3%

06/08/2010 - 242 Lượt xem

Giám đốc kinh tế ADB, ông Ifzal Ali cho rằng các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á có khả năng ứng phó hiệu quả với những cú sốc từ bên ngoài và vượt qua nguy cơ kinh tế Mỹ suy giảm. Khó có thể diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính như từng diễn ra ở châu Á năm 1997-1998, do có nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào.

Các tổ chức tài chính khu vực đã mạnh lên, khu vực các doanh nghiệp châu Á giảm được sức ép nợ nần xấu; hoạt động buôn bán cấu kiện và phụ tùng phục vụ ngành chế tạo gia tăng. Đang có nhiều cơ hội mới ho quá trình hợp tác kinh tế ở châu Á, vì sự thịnh vương chung của châu lục.

Kinh tế Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự báo tăng 11,2% năm 2007. Sáu tháng đầu năm nay đã tăng 11,5%, mức tăng cao nhất trong 13 năm qua và tiếp tục tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm. Quan hệ buôn bán giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực đang được thúc đẩy, kim ngạch thương mại 2 chiều với ASEAN lên tới 190 tỷ USD năm 2007 và dự kiến đạt 200 tỷ USD năm 2008, vượt kế hoạch 2 năm.

Hiện nay Trung Quốc nắm giữ trái phiếu ngân khố Mỹ đứng thứ 2 thế giới, sau Nhật Bản. Quỹ đầu tư quốc gia (CIC) vừa đựơc thiết lập với số vốn 200 tỷ USD, chiếm khoảng 1/6 dự trữ ngoại tệ, hoạt động từ ngày 29/9 cho thấy sự hiện diện tài chính của Trung Quốc trên thị trường thế giới ngày càng lớn, hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế ổn định.

Các nền kinh tế Đông Á tăng 8,9% năm nay. Các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra nhiều giải pháp kích thích kinh tế tăng trưởng, trong đó có biện pháp tăng xuất khẩu tới thị trường các nước châu Á. Nhật Bản và Ấn Độ đang thúc đẩy thực hiện đối tác kinh tế (EPA) song phương, đặt mục tiêu nâng kim ngạch buôn bán 2 chiều lên 20 tỷ USD/ năm.

Tại Hàn Quốc, mặc dù tỷ giá đồng Won tăng 40% so với đồng USD, nhưng vẫn đạt mức tăng xuất khẩu 18 tháng liên tiếp ở mức 2 con số và tăng thặng dư thương mại liên tiếp 52 tháng kể từ tháng 4/2003. Nhu cầu cao trên thị trường thế giới đối với sản phẩm ô tô, thép, bán dẫn và thiết bị viễn thông của Hàn Quốc đã hỗ trợ hoạt động xuất khẩu tăng. Chỉ số KOSPI tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 điểm trong 2 tháng qua và sẽ duy trì đà tăng lâu dài.

Các nền kinh tế khu vực Nam Á tăng 8,1% trong cả 2 năm 2007-2008. Kinh tế Ấn Độ dự báo tăng 8,5% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2008, trong 6 tháng đầu năm tăng 9,3%, mức tăng cao nhất trong 18 năm qua.

Phát biểu mới đây tại Seoul, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Pranab Mukherjee nói nước này theo đuổi mạnh “Chính sách hướng Đông”, một sự thay đổi chiến lược trong tầm nhìn của Ấn Độ, liên kết kinh tế mạnh hơn với các đối tác ở châu Á. Ông nói Ấn Độ đang tự biến đổi để trở thành một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng 8%/năm và nhằm tới mục tiêu tăng trưởng 10% những năm tới.

Kinh tế khu vực Đông Nam Á tăng 6,1%. Kinh tế Singapore dự báo tăng trưởng 7-8% năm nay, trong 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng 7,6. Kinh tế Philippines được điều chỉnh tăng lên 6,6% trên cơ sở kinh tế nước này phát triển trong 6 tháng đầu năm nay, mức cao nhất trong 20 năm qua.

Kinh tế Indonesia dự báo tăng 6,2%, đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào nước này trong 9 tháng đầu năm tăng tới 123% so với cùng kỳ năm trước, lên 11,7 tỷ USD, động lực kích thích kinh tế tăng trưởng. Ngân hàng thế giới (WB) và Cơ quan tài chính quốc tế (IFC) nhận xét môi trường kinh doanh ở Indonesia đã thông thoáng hơn.

Phát biểu trong dịp công bố kế hoạch ngân sách mới đây, Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi nói các biện pháp cắt giảm thuế công ty và thuế nhà đất sẽ thúc đẩy kinh tế sáng sủa hơn, với tốc độ tăng trưởng 6% năm 2007 và tăng 6,5% năm tới.

Hoạt động kinh tế Thái Lan đã có sự cải thiện sau một năm đảo chính. Văn phòng chính sách ngân sách thuộc Bộ Tài chính Thái Lan (FPO) cho biết tăng trưởng kinh tế nước này sẽ đạt 4,5% năm 2007 do có những tín hiệu tích cực đầu tư trong nước và tiêu dùng cá nhân.
Nguồn: TBKT Việt Nam