VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Châu Á sau cơn sốc tài chính (22/08)

06/08/2010 - 244 Lượt xem

Tuy nhiên, ngày 20/8, chỉ số chứng khoán đã tăng trở lại và các chuyên gia nhận định sẽ không xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ như năm 1997.

Những ngày qua, các nhà đầu tư chứng khoán đã chuyển từ trạng thái siêu lạc quan sang siêu bi quan trong một thời gian rất ngắn; không ít người bán tháo cổ phiếu. Tuy nhiên, đa số các nhà phân tích cho rằng kinh tế châu Á hiện đủ mạnh và sẽ đứng vững trước những đợt sóng gió trên thị trường tài chính.

Châu Á vượt qua khủng hoảng

Cuối tuần trước, chỉ số Nikkei 225 của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo lần đầu tiên rớt xuống dưới ngưỡng 16.000 điểm kể từ tháng 11 năm ngoái. Chỉ số chứng khoán Kopsi của Hàn Quốc giảm 6,9%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5 còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 3,9%...

Để cứu thị trường chứng khoán, Ngân hàng Nhật Bản cũng đã bơm 400 tỉ Yên (3,4 tỉ USD) vào thị trường tiền tệ. Tình hình đã sáng sủa hơn khi sáng sớm 17/8, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giảm lãi suất chiết khấu từ 6,25% xuống 5,75% đối với các khoản cho vay của FED dành cho các ngân hàng.

Điều này đã nhanh chóng tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Mỹ và kéo theo cả các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á. Hôm 20/8, thị trường chứng khoán Tokyo chứng kiến mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2006, bù đắp được hơn một nửa mức giảm 5,42% hôm 17/8. Chỉ số Thượng Hải tăng 5,33% lên đến mức đóng cửa cao kỷ lục; Seoul tăng 5,7%...

Theo đánh giá của ông Đông Đào, nhà kinh tế hàng đầu của tổ chức tín dụng "Credit Suisse", thị trường châu Á sụt giảm là do bị tác động từ bên ngoài, chứ không xuất phát trong khu vực. Nhà kinh tế này khẳng định đây là vấn đề của Mỹ, trong khi các nền kinh tế châu Á vẫn vững mạnh.

Trong khi đó, ông Thái Huy, nhà kinh tế làm việc tại Ngân hàng Standard Chartered cho rằng tình hình châu Á hiện nay sáng sủa hơn nhiều so với năm 1997 và sự rối loạn ở Mỹ trên thực tế ảnh hưởng không đáng kể đến sự ổn định tài chính của khu vực này. Ông khẳng định hiện không có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính với quy mô như năm 1997.

Cuộc khủng hoảng năm 1997 liên quan đến sự sụt giá của các đồng tiền, cổ phiếu và các tài sản khác ở châu Á. Tuy nhiên, hiện nhiều nước châu Á đã tích trữ ngoại tệ để bảo vệ đồng tiền của mình. Các nền kinh tế và các công ty trong khu vực cũng đang hoạt động hiệu quả.

Những tác động tiêu cực


Ngày 20/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á, trong đó có Singapore, có thể bị ảnh hưởng nếu cuộc khủng hoảng tại các thị trường tài chính phương Tây gần đây làm giảm nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ.

Trong bài phát biểu hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng tình trạng rối loạn trên các thị trường tài chính toàn cầu trong những tuần qua có thể ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ và các nền kinh tế châu Âu, và như vậy, các nền kinh tế châu Á cũng có thể bị ảnh hưởng trong vòng từ 3-6 tháng tới.

Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định ngay cả khi kinh tế châu Á bị ảnh hưởng, thì nền tảng kinh tế của khu vực này vẫn vững chắc. Ông bác bỏ khả năng châu Á đang ẩn chứa một cuộc khủng hoảng tài chính.

Đồng thời, ông nhấn mạnh: "Đó không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á mà là một cuộc khủng hoảng ở các nước tiên tiến và đã tác động đến khu vực của chúng ta". Thủ tướng Lý Hiển Long bày tỏ tin tưởng triển vọng của khu vực về trung hạn và dài hạn vẫn rất tốt đẹp.

N. Fink, nhà chiến lược tiền tệ thuộc BNP Paribass ở New York nhận định: “Còn quá sớm để nói rằng chúng ta đã chứng kiến những gì tồi tệ nhất”. Dù chỉ số chứng khoán châu Á đã phục hồi ngày 20/8, sau quyết định giảm lãi suất của FED, nhưng các nhà đầu tư không cho rằng đã đến lúc lại bắt tay vào hoạt động đầu tư chứng khoán đầy rủi ro nhưng sinh lợi cao.

Ông M. James, một nhà giao dịch cao cấp thuộc ngân hàng đầu tư khu vực Wedbush Morgan (Mỹ) khẳng định: “Tôi không cho rằng chúng ta đã giải quyết được tất cả các rắc rối trên thị trường chỉ nhờ vào một quyết định của FED”.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến đợt khủng hoảng tài chính vừa qua là do các cơ quan thẩm định tín dụng quốc tế đã thiếu thận trọng trong việc đánh giá thị trường địa ốc Mỹ.

Họ đánh giá quá tốt các cơ quan tín dụng và đã không hạ điểm các loại trái phiếu địa ốc rủi ro. EC đã quyết định xem xét lại phương thức hoạt động của các cơ quan thẩm định để có thể ngăn ngừa những thiếu sót trong tương lai.

Nguồn: TB KTVN.