VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Phát huy đầy đủ và đúng đắn vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường: Bí quyết thành công của Malaysia

06/08/2010 - 728 Lượt xem

Malaysia là một nước có những xuất phát điểm không mấy thuận lợi từ khi độc lập: nền kinh tế nông nghiệp với thu nhập thấp, tỷ lệ nghèo đói cao (chiếm khoảng một nửa số hộ gia đình), tỷ lệ thất nghiệp cao, vấn đề tôn giáo rất đa dạng và khá phức tạp, chênh lệch giàu nghèo lớn giữa các dân tộc. Trước điều kiện đó, Malaysia đã lựa chọn mô hình phát triển kinh tế thị trường có sự can thiệp của Nhà nước. Từ đó tới nay, sau hơn 40 năm áp dụng mô hình này, Malaysia đã đạt được những thành tựu rất đáng khâm phục. Kinh tế xã hội phát triển bền vững trong hơn 4 thập kỷ qua. Tăng trưởng GDP dao động từ 5,3% đến 7,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 49,3% xuống còn 5,7%. Các cơ hội về giáo dục, vốn tài chính, đất đai, lao động, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ cơ bản được chú trọng phân bổ ngày càng công bằng hơn đối với người dân. Malaysia đã trở thành nền kinh tế mở cửa tương đối mạnh so với các nước trong khu vực, chỉ sau Singapore và Hồng kông. Những thành tựu phát triển nói trên là tổ hợp tác động của nhiều yếu tố nhưng không thể ngăn cản sự hiện hữu của một bằng chứng sống động về thành công trong việc phát huy đầy đủ và đúng đắn vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Vậy Nhà nước đã làm gì và đâu là bí quyết của sự thành công đó? Dưới đây chỉ là một số nhận định chủ quan mà tác giả cho rằng có thể đáng suy nghĩ cho mô hình phát triển của Việt Nam.

Trước hết, khi nói đến vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế Malaysia phải nói đến vai trò định hướng thông qua hệ thống kế hoạch. Nhà nước xác định tầm nhìn, xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch đồng thời huy động các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đặt ra. Có thể nói rằng Malaysia là một nước điển hình về hệ thống kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội với quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có tính hệ thống chặt chẽ, và có căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc. Kế hoạch quốc gia của Malaysia được phân thành bốn tầng: Kế hoạch Định hướng Tổng thể; Kế hoạch Phát triển 5 năm; Rà soát Kế hoạch 5 năm; và Kế hoạch Ngân sách hàng năm. Cả bốn tầng kế hoạch trên đều dựa trên nền tảng là Tầm nhìn 2020 của đất nước. Tầm nhìn này đặt ra mục tiêu Malaysia sẽ trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2020. Hiện nay, Malaysia đang thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 9 (2006- 2010) theo hướng thúc đẩy mức độ cạnh tranh trong nền kinh tế, tập trung nguồn lực vào một số ngành có lợi thế cạnh tranh cao để trở thành những ngành có tầm vóc quốc tế, chỉnh đốn lại hệ thống giáo dục để đáp ứng với các thách thức mới.

Kinh nghiệm phát triển của Malaysia đã cho thấy Nhà nước đã hoàn thành tương đối tốt vai trò này thông qua việc xác định được tầm nhìn và kế hoạch phù hợp và tổ chức thực hiện thành công các kế hoạch đó. Một trong những ví dụ điển hình là chủ trương xây dựng Siêu hành lang Đa phương tiện (MSC). Đây là một dự án phát triển công nghệ thông tin và viễn thông toàn diện và là một chiến lược quan trọng nhằm đạt được những mục tiêu của Tầm nhìn 2020. MSC được bố trí trên một dải đất dài 50 km và rộng 15 km kéo dài từ thủ đô Kuala Lumpur về phía nam đến Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur. Mục đích thiết lập Siêu hành lang này là để Malaysia có thể thu hút được các công ty hàng đầu thế giới về các ngành đa phương tiện thực hiện nghiên cứu, phát triển các sản phẩm và công nghệ mới và xuất khẩu. MSC cũng tạo môi trường lý tưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tiến triển thành những công ty tầm cỡ thế giới. Xương sống của MSC là ứng dụng 6 mũi nhọn: chính phủ điện tử, thẻ đa mục đích, khám bệnh từ xa, trường học thông minh, cụm R&D và kinh doanh điện tử. MSC là một kế hoạch dài hạn, thực hiện theo lộ trình từ năm 1996 đến 2020. Đến nay, những sản phẩm bước đầu đã bắt đầu hình thành và cho thấy dấu hiệu về tính đúng đắn của kế hoạch. Các kết cấu hạ tầng có tầm cỡ thế giới, các trung tâm kinh doanh, xa lộ thông minh, nhà ở chất lượng cao, trung tâm mua bán và siêu thị, khu giải trí, cùng với kết cấu hạ tầng mềm như "các luật ảo", hai Trung tâm "thông minh" mới- Putrajaya và Cyberjaya- là Trung tâm Hành chính mới của Chính phủ Liên bang, là cơ sở của nhiều công ty đa phương tiện lớn nhất và đổi mới nhất trên thế giới đã hình thành.

Thứ hai, Nhà nước chủ động phát triển kinh tế thị trường tự do, đặc biệt chú trọng nâng cao mức độ cạnh tranh trong nền kinh tế. Can thiệp của Nhà nước ở đây không cho phép bóp méo các tín hiệu thị trường mà ngược lại Nhà nước có những biện pháp thúc đẩy sự phát triển của thị trường và đảm bảo cho thị trường hoạt động một cách hiệu quả. Một trong những hoạt động quan trọng ở đây là Malaysia đã chủ động xác định và thực hiện lộ trình gia tăng áp lực cạnh tranh trong nền kinh tế thông qua việc hình thành những hợp tác thương mại tự do đa phương và song phương theo phương châm “mở hết những ngành và lĩnh vực đã sẵn sàng”. Đến nay, Malaysia đã chủ động ký hiệp định thương mại tự do với Nhật và đang đàm phán và xây dựng hiệp định thương mại tự do song phương với 7 nước khác. Chính phủ nhận thức được vai trò của tự do hóa đối với việc cải thiện hiệu quả nhưng đồng thời cũng có kế hoạch chặt chẽ để tránh những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và xã hội như mất ổn định kinh tế xã hội, mất tự chủ, thiệt hại lợi ích quốc gia, v.v. Đến nay, Maysia là nước có độ mở nền kinh tế cao so với các nước trong khu vực, tổng giá trị xuất nhập khẩu/GDP là 182% trong năm 2006. Đặc biệt, năng lực tự quản lý của Nhà nước được thể hiện rõ trong việc Malaysia đã từ chối áp dụng những biện pháp khắc phục khủng hoảng tài chính châu Á của Quỹ Tiền tệ thế giới mà đưa ra những biện pháp riêng, phù hợp với điều kiện của đất nước và đã đem lại những thành công nhất định. Nguyên Thủ tướng Mahathia và bộ máy giúp việc của ông, chủ yếu gồm 8 chuyên gia hàng đầu, có vai trò quyết định trong thành công này.

Thứ ba, Chính phủ Malaysia đã tương đối thành công trong việc huy động các nguồn lực trong xã hôi để thực hiện các định hướng chiến lược đã xác định. Hai điểm nổi bật ở khía cạnh này là việc sử dụng linh hoạt hình thức doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư. Hiện nay Malaysia chỉ có hơn 50 DNNN (kể cả thuộc sở hữu của chính phủ và của các bang), kinh doanh nhiều lĩnh vực và hoạt động khác nhau. Hầu hết các DNNN được tổ chức hoạt động theo Luật Công ty ngay từ thời gian đầu thành lập. Ví dụ điển hình là Petronas là một DNNN lớn nhất của Malaysia được thành lập năm 1974, chỉ nhận được hỗ trợ của Nhà nước thời gian đầu nhưng vẫn hoạt động theo Luật công ty. Không ít các DNNN được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, ví dụ như các viện nghiên cứu và triển khai. Đối với các đơn vị này, Nhà nước chỉ hỗ trợ thời gian đầu, khi đã có sản phẩm phải chuyển đổi sang hoạt động như một doanh nghiệp. Điều đáng chú ý là một số DNNN được thành lập nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của tư nhân. Ví dụ, Công ty Công viên Công nghệ Malaysia (TPM) với chức năng cung cấp kết cấu hạ tầng và dịch vụ tiên tiến cho các hoạt động đổi mới công nghệ và R&D. Công ty Hệ thống Vi điện tử Malaysia (MIMOS) với những hoạt động nghiên cứu và sản xuất một diện rộng các hoạt động thuộc lĩnh vực ICT, tư vấn cho chính phủ về các chính sách và chiến lược liên quan đến vi điện tử và ICT. Công ty Tiêu chuẩn và Nghiên cứu Công nghiệp Malaysia (SIRIM) có chức năng phát triển các quy trình, sản phẩm và công nghệ, thúc đẩy tiêu chuẩn hoá và chất lượng trong các ngành, và cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các ngành và cho nhà nước. Công ty Phát triển các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMIDEC), thuộc Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp (MITI), có chức năng trợ giúp và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Malaysia chú trọng duy trì và phát triển mối quan hệ giữa các cơ quan chính phủ, các ngành và các doanh nghiệp một cách xuyên suốt và liên tục từ quá trình soạn thảo và ban hành luật pháp, chính sách đến việc thực thi những văn bản và chủ trương chính sách đó. Nhờ đó mà chính phủ có khả năng ban hành những luật pháp và chính sách sát với nhu cầu thực tế, nhất quán và dễ dàng trong quá trình triển khai thực hiện. Thí dụ tương đối điển hình trong lĩnh vực khoa học công nghệ là Nhóm Quan hệ giữa Ngành và Chính phủ về Công nghệ cao Malaysia (MIGHT) đã được thành lập. Đây là một tổ chức độc lập và phi lợi nhuận, với chức năng chính là tạo một kênh đối thoại giữa chính phủ và doanh nghiệp, tăng cường các mối quan hệ tham tác giữa các ngành và chính phủ trong phát triển KHCN. Nhóm này có vai trò rất lớn trong việc đưa tiếng nói của doanh nghiệp đến chính phủ. Với Ban Giám đốc bao gồm những đại diện đến từ các cơ quan chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp, và trụ sở được bố trí ngay trong Văn phòng Thủ tướng, MIGHT rất hữu hiệu trong việc tham mưu cho chính phủ ban hành các chính sách đúng đắn cũng như cung cấp các định hướng và dịch vụ cho phát triển công nghệ cao.

Trong quá trình thực hiện các vai trò trên, Malaysia cũng nhận ra những điểm yếu của nó như tính hợp lý của các định hướng phát triển nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, tác động và hiệu quả của các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Trên thực tế, những dấu hiệu về sự không khuyến khích sự năng động và nuôi dưỡng tính ỷ lại của khu vực tư nhân gây ra do những ưu đãi hào phóng của chính phủ cho doanh nghiệp và chính sách bảo hộ thái quá đã lộ diện. Tuy nhiên, Chính phủ Malaysia đã tìm nhiều cách để khắc phục nó như rà roát lại thường xuyên tính phù hợp của các chiến lược, kế hoạch áp dụng các biện pháp đảm bảo hiệu quả của các chương trình, dự án của Nhà nước, v.v.. Nhìn chung, mô hình phát triển nào cũng có những điểm mạnh và điểm yếu. Bí quyết thành công của mô hình Malaysia là Nhà nước có tầm nhìn sâu rộng, đủ khả năng để hoạch định những chính sách phù hợp với điều kiện của đất nước đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới. Nhà nước có đủ khả năng điều hòa các lợi ích, phát huy được mọi nguồn lực, tập trung cho mục tiêu phát triển./.

Tài liệu tham khảo:

- Báo cáo kết quả Khảo sát Malaysia của TS.Đinh Văn Ân từ 15-22/7/2007

- Báo cáo kết quả khảo sát Malaysia của Viện NCQLKTTW từ 9-15/3/2003

- Malaysian National Economic Action Council, 2007, Malaysia’s Development Experience

Nguồn:  VNEP, tháng 08/2007