VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Chứng khoán Trung Quốc chỉ tạm thời giảm?

06/08/2010 - 260 Lượt xem

Sau 10 tuần liên tiếp chỉ số giao dịch tăng, tuần qua thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bất ngờ “nguội” bớt, giảm 7%, do Chính phủ tăng thuế suất giao dịch cổ phiếu.

Trung Quốc đang hạ sốt cho thị trường chứng khoán nhiều rủi ro của nước này, nhưng nhiều chuyên gia nhận định, sự sụt giảm của thị trường chỉ là tạm thời, không thể đảo ngược xu hướng tăng trong dài hạn.

Giới phân tích vẫn cho rằng việc tăng thuế suất giao dịch cổ phiếu về lâu dài sẽ chưa đủ mạnh để ngăn chặn cơn sốt chứng khoán ở Trung Quốc. Ngoài việc quá “nóng", thị trường chứng khoán Trung Quốc còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải có biện pháp mạnh lành mạnh hoá thị trường.

Tăng thuế giao dịch - liều thuốc chưa đủ mạnh

Đỉnh điểm của đợt “hạ nhiệt” thị trường là hôm 30/5, sụt giảm gần 7% sau khi Bộ Tài chính nước này thông báo bắt đầu áp dụng tăng thuế suất giao dịch cổ phiếu gấp ba lần từ 0,1% lên mức 0,3%.

Chỉ số chứng khoán Thượng Hải Composite giảm 6,5% xuống còn 4.053 điểm vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch hôm 31/5. Chỉ số chứng khoán trên sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến 300 giảm 6,76% xuống còn 3.886 điểm. Hơn 1.200 cổ phiếu giảm giá trên hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến, với hơn 800 cổ phiếu giảm sàn 10%. Chỉ có 68 cổ phiếu tăng giá trên hai thị trường này.

Quyết định tăng thuế lần này của Trung Quốc có thể làm chỉ số trên các thị trường chứng khoán của Trung Quốc giảm trong thời gian ngắn, nhưng không gây ra sụp đổ hay đảo ngược xu hướng tăng trưởng mạnh trong dài hạn. Nhà kinh tế hàng đầu thuộc Công ty Vốn quốc tế Trung Quốc Ha Jiming khẳng định: “Quyết định tăng thuế này sẽ không làm đảo ngược xu hướng tăng của thị trường chứng khoán, và cũng không dẫn tới giảm giá kéo dài. Chính sách này sẽ khiến các nhà đầu tư cân nhắc kỹ khi lựa chọn cổ phiếu đầu tư, tránh đầu tư ồ ạt theo phong trào”.

Thực tế cũng cho thấy, xu hướng giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc không kéo dài. Ngay sau phiên sụt giảm kỷ lục 30/5, sáng 1/6 các chỉ số chứng khoán chủ yếu của Trung Quốc đều tăng trở lại: Thượng Hải tăng 1%; KO SPI tăng 2%. Các chuyên gia thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Trung Quốc cho rằng tác động làm giảm giá thị trường của việc tăng thuế lần này chủ yếu mang tính “tâm lý”. Bởi vì, hiện nay, lợi nhuận của các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc rất cao, nên việc tăng thuế sẽ làm tăng chi phí giao dịch cổ phiếu, nhưng chưa chắc đã làm giảm mạnh khoản lợi nhuận cao của các nhà đầu tư.

Nan giải bài toán lành mạnh hoá thị trường

Thị trường chứng khoán Trung Quốc có khối lượng giao dịch ngày càng lớn, nên thu nhập từ thuế giao dịch cổ phiếu trong năm 2006 đã tăng hơn gấp đôi, lên mức 17,95 tỷ Nhân dân tệ (2,24 tỷ USD) và trong quý 1 năm nay tăng vọt 516% lên mức 12,1 tỷ Nhân dân tệ.

Chỉ số chứng khoán Thượng Hải Composite, một trong những thước đo quan trọng nhất đối với thị trường chứng khoán Thượng Hải, đã tăng hơn 60% từ đầu năm đến nay sau khi tăng kỷ lục 130% trong năm 2006. Các chuyên gia cho rằng, “sự bùng nổ” này của thị trường một phần là do làn sóng các nhà đầu tư mới.

Chính phủ Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt và lành mạnh hoá thị trường chứng khoán, nhưng đây dường như vẫn là bài toán chưa có lời giải. Năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hai lần tăng lãi suất, bốn lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, và đã tăng biên độ giao dịch đồng Nhân dân tệ so với USD.

Ngoài việc “sốt nóng”, việc lành mạnh hoá thị trường chứng khoán cũng khiến các nhà quản lý Trung Quốc đau đầu. Bởi vì, thị trường chứng khoán đang sôi động là môi trường thuận lợi cho nhiều loại tội phạm hoạt động phi pháp. Bộ Công an Trung Quốc mới đây đã tổng kết bốn loại thủ đoạn mà bọn tội phạm sử dụng trên thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, chúng tung tin nói công ty nào đó sắp tham gia thị trường chứng khoán ở trong và ngoài nước, phát hành cổ phiếu đã được Chính phủ phê chuẩn, để lừa dụ người đầu tư mua cái gọi là “cổ phiếu nguyên thủy" của công ty đó. Tiếp đó, lấy danh nghĩa là “cơ quan tư vấn đầu tư”, “công ty kinh doanh quyền sở hữu tài sản”, vv tiến hành mua bán cổ phiếu của các công ty chưa tham gia thị trường chứng khoán.

Hai là, một số kẻ xấu còn lập địa điểm trên mạng, rao bán cổ phiếu và quyền cổ phiếu ảo, khi thu thập được số tiền đáng kể, chúng liền biến mất trên mạng.

Thủ đoạn thứ ba là đánh cắp vốn trong tài khoản của người đầu tư. Bọn tội phạm lập website giống với website của công ty tham gia thị trường chứng khoán, xem trộm tài khoản và mật mã của người đầu tư, sau đó dùng các thủ đoạn chuyển tài khoản, đánh cắp hoặc làm chứng minh thư giả và thẻ ngân hàng giả để lấy cắp tiền vốn của người đầu tư.

Loại tội phạm thứ tư là những kẻ vay tiền, lợi dụng công quỹ để chơi cổ phiếu.

Nguồn: TB KTVN