VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh%20nghi%E1%BB%87m%20c%E1%BA%A3i%20c%C3%A1ch%20v%C3%A0%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20kinh%20t%E1%BA%BF%20-%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i%20c%E1%BB%A7a%20c%C3%A1c%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc

Kinh tế Trung Quốc chưa thể hạ nhiệt

06/08/2010 - 282 Lượt xem

Trung Quốc vừa công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này vẫn tăng 10,7% trong năm 2006, đạt tới 2.700 tỷ USD.

Nguyên nhân tăng trưởng chủ yếu do đầu tư quá lớn và thương mại tăng vượt bậc. Kinh tế Trung Quốc được dự báo vẫn tăng trưởng khoảng 10% trong năm 2007, dù nước này đã áp dụng các biện pháp hạ nhiệt.

Các số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2006 tiếp tục tăng mạnh do đầu tư quá lớn và tăng trưởng thương mại quá cao. Theo đó, tổng đầu tư vào tài sản cố định trong năm qua đã lên tới 10.990 tỷ Nhân dân tệ, tăng tới 24% so với năm 2005.

Những kỷ lục về đầu tư, thương mại

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp thắt chặt đầu tư rất mạnh tay, nhưng đầu tư vào bất động sản vẫn lên tới 1.940 tỷ Nhân dân tệ, tăng tới 22% so với năm 2005 và cao hơn tốc độ tăng năm trước là 0,9%.

Năm 2006 cũng là một năm bội thu đối với lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết lượng vốn FDI vào nước này trong năm 2006 đã đạt 63 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2005.

Phó thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi cho biết, 2006 là năm thứ 15 liên tiếp nước này dẫn đầu trong số các nền kinh tế đang phát triển trong việc thu hút vốn FDI. Trong khi thu hút nhiều vốn FDI, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đổ tiền đầu tư ra các nước khác khá nhiều trong năm 2006, với 16,1 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2005.

Về xuất khẩu, số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc năm qua tăng 27% so với năm 2005, lên mức 969 tỷ USD, trong khi đó nhập khẩu chỉ tăng 20%, đạt tổng giá trị là 792 tỷ USD. Thặng dư thương mại đạt 177,5 tỷ USD trong năm 2006.

Chi tiêu tiêu dùng đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia này. Trong 2006, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tại đây tăng tới 13,7% lên mức 7.600 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 980 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng này cao hơn năm ngoái là 0,8%.

Khu vực quốc doanh vẫn được đầu tư lớn

Năm 2007, Trung Quốc xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 8%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, GDP của nước này trong năm nay vẫn sẽ duy trì ở mức trên dưới 10%.

Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì sự tăng trưởng bình ổn của cung ứng tiền tệ, tiếp tục điều chỉnh kết cấu đầu tư, giảm đầu tư vào các ngành tiêu hao năng lượng và gây ô nhiễm cao ở mức thích hợp và tăng tiêu dùng trong nước.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế nước này ít nhất có thể duy trì mức tăng trưởng cao 8-10% cho tới năm 2025. Đến năm 2008, Trung Quốc có khả năng vượt Đức, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Trong năm 2006, các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt ở Trung Quốc vẫn duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận bền vững. Theo số liệu Uỷ ban điều hành và giám sát tài sản nhà nước công bố ngày 24/1 thì chỉ riêng 159 doanh nghiệp nhà nước cấp Trung ương đã đạt 97 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2006, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2005.

Bên cạnh đó, 1.031 doanh nghiệp nhà nước cấp địa phương của nước này cũng đạt 27 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2006, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2005. Tính chung, hệ thống các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã đạt 124 tỷ USD lợi nhuận trong 2006.

Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch tiếp tục tăng cường các nguồn lực vào cho các công ty quốc doanh lớn để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của khối này trên thị trường quốc tế.

Trong cuộc gặp các doanh nghiệp mới đây tại Bắc Kinh, đại diện Chính phủ Trung Quốc cho rằng các công ty quốc doanh lớn vẫn đang hoạt động tốt, làm ăn hiệu quả và đóng góp lớn cho ngân sách trong năm 2006 vừa qua và đó là lý do để nước này tiếp tục chính sách khuyến khích nhằm phát huy thành công trên.

Chưa hết những khó khăn, bất ổn

Mặc dù kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh trong năm qua, nhưng còn nhiều vấn đề kinh tế-xã hội đang đặt ra với Chính phủ nước này. Các chuyên gia cho rằng, trong những năm qua, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh, nhưng cũng phải “trả giá” rất lớn.

Môi trường ngày càng ô nhiễm, nguồn tài nguyên cạn kiệt sẽ là những thách thức với sự phát triển bền vững của Trung Quốc trong thời gian tới. Năm 2006, Trung Quốc đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế, nhưng các chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường lại không đạt.

Mục tiêu giảm 4% tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính theo đơn vị GDP trong năm 2006, không đạt, mà còn tăng cao hơn năm 2005. Việc di dời dân ở khu vực nông thôn, vùng nghèo để thực hiện đô thị hoá, công nghiệp hoá cũng đang đặt ra không ít vấn đề phức tạp...

Một vấn đề đáng lo ngại là khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội gia tăng, mặc dù Chính phủ đã coi việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo là ưu tiên cao nhất và là nền tảng để xây dựng một xã hội hài hòa.

Kết quả khảo sát theo Báo cáo của Viện Khoa học xã hội nước này trên 7.140 hộ gia đình cho thấy, 10% hộ giàu nhất đang sở hữu hơn 40% tổng tài sản tư nhân của xã hội, còn 10% nghèo nhất chỉ làm chủ không đến 2% tổng tài sản.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ trong 2005, thu nhập bình quân của người dân Bắc Kinh là 2.263 USD, trong khi người dân của tỉnh Thanh Hải (ở Tây Nam Trung Quốc) chỉ thu nhập bình quân là 1.033 USD.

Báo cáo cũng cho thấy chi phí y tế đang gia tăng và trở thành gánh nặng lớn nhất đối với người Trung Quốc, chiếm 11,8% chi tiêu của các gia đình, cao hơn cả chi phí cho thông tin liên lạc và giáo dục.

Một cuộc khảo sát của nhật báo Thanh niên Trung Quốc và mạng Sina.com cho thấy người dân đã thấy cần báo động về tình trạng mất cân đối giàu nghèo. Khoảng 80,7% cho rằng đã đến lúc phải điều chỉnh sự mất cân đối, trong khi chỉ có 14,1% trả lời “không cần phải thay đổi”.

Nguồn: TB KTVN