VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Tự do tài chính: Kinh nghiệm từ Thái Lan và Trung Quốc

06/08/2010 - 301 Lượt xem

Việt Nam có thể thu nhận được nhiều bài học kinh nghiệm về tự do tài chính, thông qua câu chuyện của hai nước láng giềng.

Thái Lan, câu chuyện 10 năm trước và ngày thứ Ba đen tối

Thái Lan được xem là nơi châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ tại châu Á vào năm 1997-1998. Lúc đó, nhiều người không tin điều tồi tệ như vậy lại có thể xảy ra.

Tuy nhiên, sau khi có đủ thời gian suy nghĩ, có thể thấy rằng khủng hoảng là điều tất yếu và một trong những nguyên nhân chính là do các nước trong khu vực đã quá vội vã trong việc tự do hóa tài khoản vốn và áp dụng cơ chế cố định tỷ giá khi mà nền kinh tế chưa thực sự ổn định, khu vực tài chính ngân hàng còn bộc lộ nhiều yếu kém cộng với những cải cách khác chưa được thực hiện theo tiến trình tự do hóa tài chính nêu trên.

Ở Thái Lan, khi tài khoản vốn được tự do cộng với kỳ vọng quá lớn của các nhà đầu tư và sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát các khoản nợ vay đã làm cho dòng vốn ồ ạt chảy vào. Chỉ trong 10 năm từ 1987-1996, đã có đến 100 tỷ đôla được đổ vào Thái Lan.

Nghiêm trọng hơn, trên 70% số tiền này là vốn vay với hơn nửa là vay ngắn hạn do các tổ chức tài chính, nhất là các công ty tài chính trong nước vay để đầu tư dài hạn và bất động sản chiếm một tỷ trọng không nhỏ (Alba 1999).

Thêm vào đó, với tỷ giá được giữ gần như cố định ở mức 25 Baht ăn 1 đôla quá lâu khi mà thâm hụt thương mại kéo dài đã làm cho áp lực giảm giá đồng Baht ngày càng gia tăng.

Những chỉ số kinh tế vĩ mô đẹp mắt tồn tại trong thời gian dài như: tốc độ tăng trưởng bình quân 9,5%, thất nghiệp được giữ ở con số dưới 2%, dữ trữ ngoại hối tăng bình quân 26,2% với 35 tỷ đôla được mua thêm, trong khi tốc độ tăng cung tiền chỉ là 18,7% và tỉ lệ lạm phát bình quân 4,7%, năm cao nhất chỉ là 6%..., dường như đã đánh lừa được mọi người.

Tuy nhiên, điều gì phải đến đã đến. Áp lực của những khoản nợ đến hạn, áp lực của thâm hụt ngoại thương liên tục đã vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế, nhu cầu ngoại tệ gia tăng đột biến. Mặc dù đã bán ra gần 15 tỷ đôla trong gần 40 tỷ dự trữ ngoại hối, nhưng Thái Lan đã không đủ sức giữ được tỷ giá. Đồng Baht bị phá giá và khủng hoảng xảy ra với những hậu quả khôn lường.

Sau cuộc khủng hoảng này, tuy có một số biện pháp xiết chặt, nhưng nhìn chung tài khoản vốn vẫn coi như được tự do cộng với một cái mới là tỷ giá được thả nổi. Điểm đáng chú ý nhất của Thái Lan là sau khi phá giá đồng Baht, thặng dư thương mại ngày càng gia tăng. Hơn thế nữa, dòng vốn nước ngoài đang quay trở lại ngày một nhiều hơn. Hệ quả tất yếu của điều này là áp lực tăng giá đồng tiền trong nước tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu.

Sự lo lắng đã biến thành hành động cụ thể khi mà vào ngày 18/12/2006, Thái Lan đã quyết định áp dụng các biện pháp hành chính nhằm hạn chế dòng dòng tiền đổ vào.

Hậu quả tức thời là ngay ngày thứ Ba hôm sau, thị trường chứng khoán sụt giảm 15%, mức cao nhất kể từ năm 1990 (Financial Times, 20/12/2006). Lo sợ một cuộc khủng hoảng xảy ra, ngay ngày hôm sau quyết định này đã được dỡ bỏ trong sự lúng túng đối với vấn đề đang cần giải quyết.

Trung Quốc, con đường trở thành đại gia

Cũng giống một số nước khác, vào năm 1994, Trung Quốc đã cố định tỷ giá 8,28 Nhân dân tệ đổi 1 đôla Mỹ. Điều thú vị ở đây là khác với nhiều nước Đông Á, với tỷ giá này, đồng Nhân dân tệ đã bị định giá thấp, nhưng tạo được lợi thế xuất khẩu gia tăng.

Cộng với những yếu tố thuận lợi khác, một kết quả hết sức mỹ mãn đối với Trung Quốc là kể từ đó thặng dư mậu dịch và dữ trữ ngoại hối liên tục gia tăng. Con số kỷ lục được thiết lập vào năm 2006 với thặng dư ngoại thương lên đến 177,6 tỷ đôla (Bloomberg TV, 08/01/2007), dự trữ ngoại hối vượt 1.000 tỷ đôla.

Với sức mạnh về ngoại thương và số tiền có sẵn trong tay, Trung Quốc đã khiến cho tất cả các đối tác thương mại, kể cả Hoa Kỳ phải e ngại. Có lẽ, một trong những vấn đề được tranh luận nhiều nhất trên chính trường nước Mỹ là vấn đề tỷ giá giá đồng Nhân dân tệ. Có thể việc không thuyết phục được Trung Quốc nới lỏng chính sách tỷ giá như kỳ vọng mà Bộ trưởng Bộ Tài chính John Snow phải từ chức để lại gánh nặng cho người kế nhiệm Henry Paulson.

(Thực ra, vào cuối tháng 07/2005, để chuẩn bị món quà cho chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã quyết định bỏ chế độ tỷ giá cố định, cho phép đồng Nhân dân tệ dao động linh hoạt hơn. Nhưng điều này có vẻ vẫn chưa làm hài lòng các chính trị gia cũng như các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, sau 18 tháng, đồng Nhân dân tệ chỉ tăng giá vào khoảng 6%, thấp hơn mức người ta kỳ vọng rất nhiều.).

Hơn thế nữa, nhờ khoản tiền dữ trữ ngoại hối dồi dào mà Trung Quốc có thể chi ra cả trăm tỷ đô-la để biến các ngân hàng thương mại nhà nước với tình trạng tài chính yếu kém trở thành những ngân hàng có khả năng cạnh tranh được biết đến qua những vụ phát hành cổ phiếu ra công chúng hết sức rùm beng trong hai năm qua.

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc có được vị thế như hiện nay mà song song với quá trình cải cách kinh tế, họ đã thực hiện một quá trình cải cách và tự do hóa tài chính một cách hợp lý qua 5 giai đoạn khác nhau mà bắt đầu bằng việc tự do hóa lần đầu tiên trong những năm 1978-1986, đến giai đoạn tự do hóa và mở cửa ngành tài chính sau khi gia nhập WTO vào năm 2001.

Trong quá trình tự do hóa tài chính của mình, không phải lúc nào cũng suôn sẻ đối với Trung Quốc, sau cuộc khủng hoảng năm 1997, sức ép phá giá lên đồng Nhân dân tệ rất nhiều, nhưng nhờ sức mạnh sẵn có của nền kinh tế cộng với một lượng ngoại tệ dữ trữ tương đối lớn (gần 150 tỷ đôla) mà Trung Quốc đã thành công trong việc duy trì chính sách tỷ giá của mình. Điều này cũng đã giúp Đông Á không chìm sâu vào khủng hoảng.

Điều đáng chú ý ở đây là trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc đã tung ra số Nhân dân tệ bằng 40% cung tiền để mua vào gần 1.000 tỷ đôla giá trị ngoại tệ mạnh, nhưng lạm phát bình quân chưa đến 1%, trong khi tốc độ tăng cung tiền lên đến 16% và tốc độ tăng dữ trữ ngoại hối trên 24%.

Nhiều người lý giải vấn đề này là do đồng Nhân dân tệ đang mạnh, người ta muốn cất giữ nó (bằng tiền mặt) hoặc chuyển ra nước ngoài để chờ khi nó lên giá mới bán ra. Đây là một trong những điều lo ngại của Trung Quốc. Dù sao, với vị thế của mình, Trung Quốc đang thực hiện một tiến trình cải cách tỷ giá hối đoái và tự do hóa tài chính một cách chủ động.

Một trong những sai lầm lớn nhất gây ra cuộc khủng hoảng năm 1997 là việc Thái Lan đã mở tài khoản vốn quá sớm làm cho một dòng nợ, nhất là nợ ngắn hạn khổng lồ đổ vào kết hợp với chính sách cố định tỷ giá ở mức cao, đồng tiền kém sức cạnh tranh, thâm hụt thương mại gia tăng làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

Trái lại, thành công của Trung Quốc có được là do nước này đã định giá đồng tiền ở mức thấp tạo ra lợi thế cạnh tranh ngoại thương cộng với một tiến trình cải cách thương mại và cải cách tài chính hợp lý.

Và lối đi của Việt Nam

Kinh nghiệm từ Thái Lan và Trung Quốc có giá trị tham khảo rất lớn. Tuy nhiên, rõ ràng Việt Nam cần phải chọn cách đi riêng cho mình, vì bối cảnh ngày nay rất khác so với cách đây hơn một thập niên.

Ngay từ năm 1973, khi viết cuốn “Tiền và Vốn trong phát triển kinh tế” Mckinnon đã nêu ra tầm quan trọng của việc tự do hóa tài chính đối với phát triển kinh tế. Trong nhiều nghiên cứu sau đó của ông và nhiều học giả nổi tiếng khác như Shaw, Stiglitz… đã đề xuất một tiến trình tự do hóa tài chính với các bước đi hết sức rõ ràng và chặt chẽ.

Để có thể tự do tài khoản vốn, bước cuối cùng trong tiến trình tự do hóa tài chính, cần phải đảm bảo thâm hụt ngân sách ở mức vừa phải, giảm thiểu các áp chế tài chính về dự trữ bắt buộc, trần lãi suất, sở hữu và can thiệp của nhà nước trong các ngân hàng thương mại, tăng cường tạo sân chơi bình đẳng và giảm dần tín dụng chỉ định. Song song với các cải cách này, cần có những bước đi cải cách thương mại và quản lý theo hướng nới lỏng tỷ giá hối đoái phù hợp.

Hiện nay, đối chiếu với thực tế, có vẻ như Việt Nam đang theo tiến trình này.

Nguồn: TB KTVN