VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh%20nghi%E1%BB%87m%20c%E1%BA%A3i%20c%C3%A1ch%20v%C3%A0%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20kinh%20t%E1%BA%BF%20-%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i%20c%E1%BB%A7a%20c%C3%A1c%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc

Diễn đàn kinh tế Thế giới 2007: Giảm thiểu rủi ro toàn cầu

06/08/2010 - 275 Lượt xem

Các chính trị gia và doanh nhân hàng đầu thế giới sẽ nhóm họp tại cuộc gặp thường niên của Diễn Đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, khu trượt tuyết nổi tiếng của Thuỵ Sĩ từ 24-28.1 để cùng nhau phân tích rủi ro của kinh tế toàn cầu, nhằm hướng tới một sự phát triển bền vững.

Cuộc gặp năm nay diễn ra khi WEF vừa công bố báo cáo cho thấy, các quốc gia và doanh nghiệp khắp thế giới chưa quan tâm đúng mức đến những nguy cơ đang đe dọa kinh tế thế giới.

An toàn giả tạo

Theo báo cáo mới đây của WEF, nhiều chính phủ chủ quan khi không xem xét kỹ các khía cạnh phát triển nền kinh tế của mình với khả năng rủi ro toàn cầu đem lại. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới tỏ rõ sự mong manh của mình trước những biến chuyển bất ngờ của kinh tế - xã hội thế giới. WEF cho rằng, giai đoạn “tăng trưởng vàng” kéo dài của thế giới đã tạo một cảm giác an toàn giả tạo.

Báo cáo dẫn chứng, có khoảng 10-20% nguy cơ về việc bùng nổ giá nhà và nợ trên toàn thế giới; có 5-10% nguy cơ USD đột ngột giảm giá, làm kinh tế thế giới thiệt hại 50-250 tỉ USD… Ngoài ra, còn có những rủi ro từ sự “hạ cánh” sau khi tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế Trung Quốc, từ sự thay đổi khí hậu, dịch bệnh cúm gia cầm toàn cầu... WEF cho rằng, mỗi nguy cơ trên nếu xảy đến có thể gây tổn thất cho thế giới khoảng 1.000 tỉ USD.

Hội nghị Davos diễn ra khi “cuộc chiến” năng lượng giữa Nga và một số nước Đông Âu đang diễn ra gay gắt. Điều này cho thấy không có gì đảm bảo chắc chắn cho tăng trưởng kinh tế, kể cả ở các nền kinh tế lớn, cũng như nền kinh tế mới phát triển khi các vụ khủng hoảng khí đốt, dầu mỏ xảy ra ngày một thường xuyên hơn.

Trong bối cảnh đó, các chính trị gia và các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới sẽ thảo luận rất nhiều chủ đề khác nhau tại Hội nghị Davos lần này. “Có rất nhiều vấn đề thiết yếu trên thế giới cần được đưa ra thảo luận”, ông Klaus Schwab - Chủ tịch WEF nói. Các ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính bao gồm: thay đổi khí hậu và năng lượng. Ngoài ra, hội nghị còn thảo luận các vấn đề như thương mại quốc tế, vũ khí hạt nhân, chống khủng bố và các thách thức từ sự thay đổi địa chính trị tới các thành phố trên toàn cầu.

Vấn đề Trung Đông cũng dự kiến sẽ nổi trội trong 5 ngày họp, với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Livni, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Thủ tướng Lebanon Fouad Siniora và Quốc vương Jordan Abdullah. Ông Schwab cho biết, các chủ đề khác như tôn giáo, y tế công cộng, Internet và viễn cảnh kinh tế vĩ mô cũng sẽ được đề cập trong hội nghị năm nay.

Nỗ lực khởi động vòng Doha

Trước thềm WEF, đại diện thương mại đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Nhật, Brazil, Ấn Độ… sẽ có cuộc tiếp xúc để nỗ lực nối lại vòng đàm phán Doha bị đóng băng suốt 6 tháng qua. Một tin vui đến ngay trước cuộc gặp này: Mỹ và EU đã thu hẹp những bất đồng về vấn đề nông sản, nguyên nhân chính dẫn đến sự bế tắc của tiến trình Doha. Cao ủy thương mại EU P.Maldeson sau cuộc gặp với Đại diện Thương mại Susan Swab đã cho biết: “khoảng cách giữa chúng tôi về vấn đề nông nghiệp không còn lớn nữa”. Thành công này mở đường một thỏa thuận thương mại đa phương mới tại WEF và được coi là bước tiến lớn trong tiến trình đàm phán Doha.

Ông Klaus Schwab cho biết, dự kiến có khoảng 2.400 doanh nghiệp và chính trị gia tham dự hội nghị năm nay, trong đó có 900 giám đốc và chủ tịch doanh nghiệp, 24 nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Thủ tướng Anh Tony Blair, Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đoàn VN do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu. Tại diễn đàn lần này, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN, WEF sẽ tổ chức một phiên toàn thể đặc biệt về ASEAN với sự tham dự của Thủ tướng VN, Thủ tướng Malaysia và Tổng thống Philippines.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng

Ngày 16.1, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Rodrigo Rato cho biết nền kinh tế toàn cầu hiện tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên vẫn tồn tại nguy cơ xảy ra "sự điều chỉnh hỗn loạn", với việc tỷ giá tiền tệ tại châu Á vẫn đang được chính phủ "kiểm soát quá chặt chẽ" và giá dầu thế giới tiếp tục bất ổn định.

Theo ông Rato, sau 4 năm liên tiếp tăng trưởng mạnh mẽ, nền kinh tế thế giới trong năm 2007 sẽ tiếp tục giữ vững nhịp độ trên với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 5%. IMF nhận định trong năm 2006, Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang "hạ nhiệt" với mức thâm hụt kỷ lục, sau nhiều năm tăng trưởng nhanh. Trong khi đó, sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu tiếp tục được mở rộng, còn nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại sau một thời gian thoái trào.

Nguồn: Lao Động