VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Phát triển bền vững

Năm kiểu tăng trưởng cần tránh

06/08/2010 - 321 Lượt xem

Tăng trưởng không việc làm. Đó là tăng trưởng kinh tế song không mở rộng những cơ hội tạo thêm việc làm hoặc phải làm việc nhiều giờ và có thu nhập rất thấp với những công việc có năng suất lao động thấp trong nông nghiệp và trong khu vực không chính thức. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm từ 6,9% năm 1998 xuống 6,4% năm 2000 và 5,6% năm 2004; làm cho tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn tăng từ 71,1% năm 1998 lên 74,2% năm 2000 và 79,4% năm 2004. Song việc chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp - xây dựng và dịch vụ còn chậm; nhiều công trình được xây dựng vẫn cần nhiều vốn hơn là lao động. Tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng do yếu tố vốn đóng góp còn chiếm tới gần 60%, còn do yếu tố lao động chỉ chiếm khoảng 20% và do yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp chỉ chiếm trên 20%.

Tăng trưởng không lương tâm. Đó là tăng trưởng mà thành quả của nó chủ yếu đem lại lợi ích cho người giàu, còn người nghèo được hưởng ít, thậm chí số người nghèo còn tăng thêm, khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Trong giai đoạn 1970 - 1985, GNP toàn cầu tăng 40%, nhưng số người nghèo tăng 17%. Trong giai đoạn 1965 - 1980, 200 triệu người có thu nhập trên đầu người giảm, thì đến giai đoạn 1980 - 1993, con số này là hơn 1 tỉ người. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã làm cho tỷ lệ nghèo giảm nhanh: tỷ lệ hộ nghèo lương thực - thực phẩm giảm từ 55% năm 1990 còn 16,5% năm 1995, 9,9% năm 2002 và 7,8% năm 2004; tỷ lệ nghèo phi lương thực - thực phẩm giảm từ 57% năm 1993 còn 37,4% năm 1998, 28,9% năm 2002 và 24,1% năm 2004. Tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo đã gia tăng. So sánh 20% số hộ có mức thu nhập cao nhất với 20% số hộ có mức thu nhập thấp nhất thì hệ số đã gia tăng từ 6,2 lần năm 1993 lên 7 lần năm 1995, 7,6 lần năm 1999 và 8,1 lần năm 2002. Nếu so sánh 10% số hộ có mức thu nhập cao nhất với 10% số hộ có mức thu nhập thấp nhất thì hệ số chênh lệch đã gia tăng từ 10,1 lần năm 1995 lên 10,6 lần năm 1996, 12 lần năm 1999, 12,5 lần năm 2002 và 13,5 lần năm 2004. Đây là cảnh báo cần thiết về 3 mặt: một mặt là chênh lệch chính của một bộ phận người giàu (do lậu thuế, tham nhũng) và tình trạng nghèo khó của một bộ phận người nghèo (do làm ăn yếu kém, sinh đẻ không kế hoạch, sa vào cờ bạc, nghiện hút, ỷ lại...); mặt khác nữa là sự điều tiết của Nhà nước bằng nhiều biện pháp như thuế thu nhập, chính sách phân phối, chính sách xã hội cần làm tốt hơn.

Tăng trưởng không có tiếng nói, tức là tăng trưởng kinh tế không kèm theo việc mở rộng nền dân chủ hay là việc trao thêm quyền lực, chặn đứng tiếng nói khác và dập tắt những đòi hỏi được tham dự nhiều hơn về xã hội và kinh tế.

Việt Nam đã thực hiện đổi mới kinh tế vĩ mô trên 4 mặt (chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, chuyển từ hai thành phần sang nhiều thành phần, chuyển từ nền kinh tế đóng sang nền kinh tế mở, chuyển từ Nhà nước chỉ huy quản lý bằng mệnh lệnh sang Nhà nước pháp quyền quản lý chủ yếu bằng luật pháp); đổi mới trên lĩnh vực phân phối về vai trò của phân phối, về nguyên tắc phân phối, về phương tiện và đối tượng phân phối, về phương thức và công cụ phân phối. Thực chất là dân chủ hóa nền kinh tế. Từ Đại hội IX, Đảng ta đưa thêm mục tiêu "dân chủ" và mục tiêu tổng quát "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Tăng trưởng không gốc rễ, là sự tăng trưởng đã khiến cho nền văn hóa của con người trở nên khô héo. Việt Nam đã gắn tăng trưởng kinh tế với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, song sự phát triển văn hóa hiện đang chậm hơn về kinh tế cần được cảnh báo.

Tăng trưởng không tương lai, là tăng trưởng mà thế hệ hiện nay phung phí những nguồn lực mà các thế hệ trong tương lai cần đến. Tăng trưởng kinh tế tràn lan và không được kiểm soát tại nhiều nước đã đổ chất thải vào các khu rừng, làm ô nhiễm sông ngòi, phá hủy tính đa dạng sinh vật và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tình trạng tàn phá và hủy hoại này đang gia tăng, được sự thúc đẩy ồ ạt bởi nhu cầu trong các nước giàu, sự ngăn chặn lãng phí không thỏa đáng của các nước đang phát triển và áp lực của những người nghèo bị đẩy ra những khu đất ngoại biên ở những nước nghèo... Nếu không sớm thực thi việc ngăn chặn lãng phí và những kiểm soát ô nhiễm một cách nghiêm khắc thì xu hướng đó sẽ dẫn tới những hậu quả mang tính thảm họa.

Việt Nam đã đưa ra chủ trương tăng trưởng bền vững, tức là tăng trưởng nhanh gắn với sự phát triển bền vững và đạt được những kết quả tích cực, như tỷ lệ che phủ rừng đã tăng từ 28% cách đây dăm năm nay lên 37%; Luật Bảo vệ môi trường sớm được thông qua... Tuy nhiên môi trường đang bị xuống cấp từ đất, nước; không khí, chất thải rắn... là một thực tế cần cảnh báo.

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn,