VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Phát triển các loại thị trường

Phác thảo lộ trình Thị trường chứng khoán từ 2006-2010

06/08/2010 - 252 Lượt xem

Để dễ hình dung, UBCKNN đã xây dựng hai mô hình kế hoạch cho TTCK. Cả hai mô hình này đều lấy chỉ tiêu tổng giá trị thị trường - GTTT - (của cổ phiếu niêm yết) tính trên GDP làm tiêu chí phấn đấu. Mô hình thứ nhất chỉ ra rằng, nếu tốc độ tăng tổng GTTT ở mức trung bình, năm sau tăng gấp đôi năm trước và quy mô vốn của các DN niêm yết chỉ tăng ở mức 5%/năm, thì để đạt chỉ tiêu tổng GTTT bằng 10% GDP vào năm 2010, TTCK Việt Nam phải thu hút được 390 DN niêm yết. Quy mô vốn của DN niêm yết cũng tăng dần, nhưng tăng ở mức chậm, năm 2006 đạt 56 tỷ đồng/DN; 2008 đạt 62 tỷ đồng/DN và 2010 đạt 68,3 tỷ đồng/DN.

Mô hình thứ hai được xây dựng trên dự kiến các tổng công ty, DN lớn được cổ phần hoá và đưa vào niêm yết. Trường hợp này, quy mô vốn bình quân của DN niêm yết sẽ tăng đột biến, có thể đạt tới 177 tỷ đồng/DN vào năm 2006; 185 tỷ đồng/DN vào 2008 và 205 tỷ đồng/DN vào 2010. Cũng theo giả định này, số DN niêm yết chỉ cần tăng với tốc độ vừa phải, đạt khoảng 200 DN vào 2010, nhưng TTCK vẫn có thể đạt mục tiêu tổng GTTT bằng khoảng 12% GDP.

Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Trưởng ban Phát triển thị trường, UBCKNN cho biết, số liệu đề cập trong hai mô hình trên mang tính tượng trưng, giúp người đọc hình dung hướng phát triển của TTCK, chứ UBCKNN không định cột chặt chỉ tiêu từng năm bằng những con số cụ thể như vậy. Bà cũng cho rằng, việc lập và thực thi kế hoạch phát triển TTCK liên quan đến nhiều lĩnh vực nằm ngoài phạm vi trách nhiệm trực tiếp của UBCKNN, đòi hỏi cơ quan cấp cao hơn có sự điều phối và chỉ đạo sát sao mới đạt được kết quả.

Bốn vấn đề trụ cột quyết định sự phát triển của TTCK

Theo quan điểm của UBCKNN, nhìn nhận TTCK cần nhìn trên các góc độ: cung, cầu, tổ chức tài chính trung gian và quy định pháp lý. Cả 4 trụ cột này có sự ảnh hưởng qua lại, ràng buộc lẫn nhau và trong từng giai đoạn cụ thể, mức độ ảnh hưởng đến TTCK của 4 trụ cột trên là khác nhau.
Với cách nhìn như vậy, các giải pháp phát triển TTCK mà UBCKNN dự liệu được xây dựng trên cơ sở hoàn thiện 4 thành tố then chốt. Về cung, trong thời gian tới có thể sẽ có sự tăng đột biến, nhưng việc tăng cung như thế nào để có thể khuyến khích được cầu là vấn đề cần thiết phải toan tính. Về cầu, có rất nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sức mua chứng khoán như mức độ hiểu biết về chứng khoán, tính công khai minh bạch trên TTCK, chất lượng hàng hoá, chất lượng điều hành thị trường… Vậy phải tập trung hoàn thiện điểm nào để tăng sức mua cho thị trường? Đây cũng là vấn đề mà cơ quan quản lý sẽ đưa ra bàn thảo để tìm hướng hành động khả thi nhất.

Về hai câu hỏi lớn mà dư luận đặt ra đối với cơ quan quản lý là tại sao sau 5 năm hoạt động, TTCK không thu hút được DN lớn và nhà đầu tư mới tham gia, quan chức UBCKNN trả lời rằng, việc đưa DN (kể cả lớn, nhỏ) tham gia TTCK không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của UBCKNN. UBCKNN chỉ là một chủ thể thúc đẩy việc tạo hàng cho TTCK, chứ không phải là cơ quan quyết định việc tạo hàng cho TTCK.

Về số nhà đầu tư mới không gia tăng, ý kiến từ UBCKNN cho rằng, điều này không khó lý giải. Ngoài những lý do có tính nền tảng (về hiểu biết, thói quen…), thì lý do trực tiếp là TTCK chưa tạo ra cơ hội kiếm lời hấp dẫn đối với công chúng. Kích cầu vốn là một bài toán khó, đòi hỏi nhà quản lý phải tìm ra giải pháp có tính đột phá trong số hàng trăm giải pháp có khả năng tác động tới sức cầu.
Điều mà người đứng đầu Ban Phát triển thị trường muốn được chia sẻ là TTCK Việt Nam được xây dựng trền nền tảng của một nền kinh tế đang phát triển; tuổi đời của TTCK cũng còn quá non trẻ, vì vậy dư luận không nên nhìn sự lớn mạnh của các TTCK trên thế giới mà cảm thấy sốt ruột với những bước đi chập chạp của TTCK Việt Nam. “Sự nghiệp phát triển TTCK là một quá trình lâu dài và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng điều đáng mừng là hiện nay, các cơ quan liên quan đã hiểu ra rằng, một mình UBCKNN không thể phát triển được TTCK. Nếu Chính phủ và các bộ, ngành khác không trực tiếp thúc đẩy thị trường thì chưa thể kỳ vọng sự thay đổi lớn trong 5 năm tiếp theo” quan chức này nói.